Xuất Khẩu Nông Lâm Thủy Sản Giảm 1,9%

Theo số liệu thống kê của Bộ NN & PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 2 năm 2015 ước đạt 1,78 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 2 tháng đầu năm 2015 lên 4,177 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 5,3%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 907 triệu USD, giảm 9,4%, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1.046 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các mặt hàng nông sản thì mặt hàng gạo và cà phê tiếp tục là những mặt hàng có sự tụt giảm cả về lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 năm 2015 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị 90 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 526 nghìn tấn và 243 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 34% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng cà phê xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 242 nghìn tấn và 511 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Chè và hạt tiêu là hai mặt hàng nông sản có sự sụt giảm khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu gia tăng. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chè tháng 2 năm 2015 ước đạt 6 nghìn tấn với giá trị đạt 10 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè hai tháng đầu năm 2015 ước đạt 16 nghìn tấn với giá trị đạt 28 triệu USD, giảm 3,3% về khối lượng nhưng tăng 5,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong tháng 1 năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan- thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 50,71% về khối lượng và tăng 57,91% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Khối lượng xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu 2 tháng đầu năm 2015 đạt 22 nghìn tấn với giá trị 199 triệu USD, giảm 8,7% về khối lượng nhưng tăng 24% về giá trị.
Hạt điều là mặt hàng nông sản xuất khẩu duy nhất trong tháng 2 năm 2015 có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị. Theo đó, khối lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2015 đạt 36 nghìn tấn với 261 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 36,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 27,8%, 24,24% và 8,96% tổng giá trị xuất khẩu.
Cũng theo Bộ NN & PTNT, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản trong tháng 2 năm 2015 ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, hai tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp xuất siêu 0,977 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm

Xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn (Cà Mau) có 2.730 ha nuôi tôm. Năng suất bình quân trên tôm nuôi những năm gần đây không ngừng tăng lên. Có được kết quả đó là nhờ người dân tăng cường chuyển đổi diện tích đất nuôi tôm quảng canh truyền thống sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm nước tĩnh và nuôi tôm công nghiệp.

Trước áp lực siết nợ từ ngân hàng, đã có không ít hộ nông dân nuôi tôm, cá tra ở ĐBSCL quyết định chuyển sang nuôi gia công, thậm chí bán một phần tư liệu sản xuất để giải quyết nợ. Trong khi đó, chính sách khoanh nợ cho đối tượng này, có hiệu lực vào đầu tháng 11-2014, liệu có rơi vào “vết xe đổ” của những chính sách tương tự?

Sáng 10/10, tại Trường Đại học Nha Trang khai mạc lớp tập huấn quốc tế về “Quản lý đàn cá bố mẹ và chọn giống trong nuôi trồng thủy sản”. Tham gia lớp Tập huấn có 32 học viên là các chuyên gia và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đến từ các nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Từ đầu mùa mưa, phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã tuyên truyền bà con tích cực triển khai các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, theo đó từ giữa tháng 9 trở lại đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng tương đối nhanh gần 2.500 ha, riêng nuôi cá trong vèo chiếm trên 3.000 m2 diện tích mặt nước, tăng hơn gần 800 m2 so với tháng trước.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 5.425 ha nuôi trồng thủy sản. Mặc dù bị tác động của dịch bệnh, nhưng từ đầu năm đến nay các địa phương đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn thủy sản và xây dựng mô hình chăn nuôi thuỷ sản theo hướng trang trại.