Xuất khẩu hạt điều ước tính đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2015

Ngày 23/11, tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 7 năm 2015, do Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch VINACAS cho biết, trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đều giảm thì ngành điều vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng cao.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2015, số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam là 272.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,97 tỷ USD, tăng 6% về lượng và tăng trên 18% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo năm 2015, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ đạt 2,5 tỷ USD; trong đó, nhân điều 2,3 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.
Với kết quả này, ông Thanh cho biết, năm 2015 Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.
Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều.
Mặc dù đạt được những bước tiến đáng kể trên thị trường điều quốc tế nhưng ngành hạt điều Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam chế biến khoảng 1,3 triệu tấn hạt điều/năm.
Tuy nhiên trong nước chỉ cung cấp được 500.000 tấn, số còn lại phải nhập chủ yếu từ châu Phi và Campuchia.
Do đó, vấn đề kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nguyên liệu nhập khẩu nói riêng và ngành điều Việt Nam nói chung đang được VINACAS đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Để giám sát vấn đề này, VINACAS đã hỗ trợ 300 điểm trình diễn mô hình trồng điều theo hướng thâm canh, sạch hơn; tổ chức các buổi gặp gỡ với các đối tác châu Phi để đảm bảo yêu cầu chất lượng nguyên liệu điều nhập khẩu; phối hợp với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra các nhà máy chế biến điều xuất khẩu…
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2014, các tỉnh ĐBSCL phấn đấu đạt sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Trong đó, xuất khẩu từ 650.000 - 680.000 tấn, đạt giá trị 1,75 tỷ USD. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, các tỉnh ĐBSCL đưa khoảng 6.000 héc-ta mặt nước vào nuôi cá tra, tập trung nhiều nhất tại Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, TP. Cần Thơ…

Khánh Thượng - xã miền núi của huyện Ba Vì (Hà Nội), là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn dựa vào nghề trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi và hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện giá heo hơi đang được thương lái thu mua dao động từ 48-50.000 đồng/kg; mức giá này đang cho người nuôi heo có lãi cao. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Theo số liệu điều tra mới đây của Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), thôn Vĩnh Thọ có đến 98% số hộ chăn nuôi bò, trong đó tỉ lệ bò lai trong thôn chiếm 97% tổng đàn.

Sáng 11/3/2014, Cơ quan chứng nhận Công ty Control Union đã trao giấy chứng nhận GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên nguồn gốc) cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Đông (xã Thành Đông, Bình Tân, Vĩnh Long - ảnh), chuyên sản xuất và tiêu thụ khoai lang tím Nhật.