Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Chiềng Sơ

Vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tận dụng triệt để lợi thế về điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thổ nhưỡng... đã giúp nhân dân Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từng bước thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 58%, giảm 4,5% so với năm 2012.
Ông Lò Minh Xuyên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, cho biết: Những năm trước đây, Chiềng Sơ là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện. Mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư của Đảng, Nhà nước, như: Chương trình 135, 30a nhưng đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Một phần do người dân chưa có ý chí vươn lên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một phần chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất.
Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã xác định: Với diện tích tự nhiên 6.207ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp gần 3.600ha, xã lựa chọn hướng phát triển kinh tế kết hợp sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi gia súc là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã.
Do vậy, chính quyền xã tăng cường chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể của xã tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất; tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp đào tạo nghề; tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn lợn hơn gần 20 con của gia đình chị Lò Thị Tiên ở bản Cang B, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông luôn phát triển tốt.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã phối hợp với Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ, cung ứng kịp thời giống đậu tương, ngô, lúa... cho người nghèo; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, ngô phù hợp với thổ nhưỡng.
Nhờ đó, bình quân lương thực cây có hạt đầu người toàn xã hiện đạt 318kg/năm. Để đa dạng cơ cấu cây trồng, ngoài các loại cây ngắn ngày xã còn vận động nhân dân kết hợp trồng các loại cây có giá trị cao như: bông lai, nhãn... tăng thu nhập.
Từ nguồn vốn vay của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã, người dân đã biết cách sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Điển hình về chăn nuôi sản xuất giỏi như gia đình anh Quàng Văn Thinh, ở bản Cang B. Nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, năm 2011 anh Thinh đầu tư mua 2 cặp trâu giống.
Anh Thinh còn chủ động tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức để có thêm kiến thức chăm sóc gia súc đúng kỹ thuật. Nhờ vậy, trâu của gia đình anh Thinh phát triển tốt, cho nguồn thu ổn định khoảng 45 – 50 triệu đồng/năm.
Ngoài ra còn có gia đình anh Lường Văn Thiện ở bản Kéo, ông Lò Văn Bình ở bản Hia Óng, anh Quàng Văn Thoại ở bản Pá Nặm A... Theo thống kê của UBND xã Chiềng Sơ, hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn là 4.792 con, trong đó trâu là 733 con; bò 1.224 con, lợn 1.479 con... tập trung nhiều ở bản Pá Nặm A, Pá Nặm B, Hia Óng.
Từ những kết quả đạt được cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo ở Chiềng Sơ đã và đang được triển khai đúng hướng, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Do vậy, thời gian tới, UBND xã sẽ nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tận dụng hiệu quả, đưa các nguồn vốn, chương trình, dự án của Chính phủ, như: 135, 30a, 134... đến người dân, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ quế của nông dân các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Người dân nơi đây đang rất phấn khởi do giá quế đầu vụ bất ngờ tăng mạnh. Mỗi ngày nhiều hộ khai thác từ 200-300kg vỏ quế, thu về tiền triệu, đời sống kinh tế cải thiện đáng kể.

Công ty Sino Agro Food của Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng trại nuôi tôm mà theo họ sẽ là trại nuôi tôm lớn nhất thế giới, dự kiến sản xuất 300.000 tấn tôm/năm sau khi hoàn thành trong thời gian 20 năm.

Trong vài năm qua, các quy trình thực hành quản lý tốt BMP (viết tắt Better Management Practices) đã và đang được đồng nhất hóa và phát triển trên cơ sở khoa học để bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế đối với ngành nuôi tôm.

Theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bình Đại có 1.655ha, từ xã Định Trung theo đường 883 đến ngã tư xã Thới Lai, vòng vào đường huyện đến ngã tư xã Vang Quới Đông. Đoạn kế tiếp, từ xã Vang Quới Đông đến xã An Hóa hướng ra sông Tiền.

Với lợi thế luôn có nguồn nước ngọt ổn định trên sông quanh năm, một số người dân ở các xã này đã bố trí mùng xuống sông, rào lại từng khoảnh nhỏ để nuôi. Thông thường người nuôi chọn loại lưới xanh (lưới thái) sợi 3,6 ly, kích thước lỗ lưới khoảng 2,5 cm.