Xây Dựng Hệ Thống Quản Lý Chất Lượng Ca Cao Đạt Tiêu Chuẩn UTZ Certified

Bến Tre có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng ca cao. Tuy nhiên, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, người dân sản xuất theo lối cũ, quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, vì vậy năng suất đạt chưa cao.
Để thay đổi tập quán của người dân; đồng thời nâng cao chất lượng hạt ca cao, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn UTZ Certified cho sản phẩm ca cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng, vận hành và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn UTZ Certified một cách ổn định cho sản phẩm ca cao trên diện tích 30-50ha. Khi ca cao được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng UTZ Certified thì giá hạt sẽ cao hơn, thu nhập của người dân trồng ca cao nâng lên.
Nhóm tác giả đã thực hiện một số nội dung như: khảo sát hiện trạng và kỹ thuật canh tác; xây dựng quy trình canh tác ca cao xen trong vườn dừa; xây dựng, vận hành và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn UTZ Certified một cách ổn định cho sản phẩm ca cao trên địa bàn tỉnh, trước hết là huyện Châu Thành; duy trì hoạt động của hệ thống cho đến khi được tái chứng nhận hệ thống.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát hiện trạng canh tác của 90 hộ trồng ca cao và phân tích mẫu đất trồng ca cao xen trong vườn dừa, nhận thấy đất có khuynh hướng bạc màu, đất có hàm lượng CEC (khả năng trao đổi cation) thấp - là nguyên nhân làm cho hàm lượng chất hữu cơ, đạm tổng số, lân tổng số trong đất thấp hơn ngưỡng khuyến cáo. Từ kết quả trên, nhóm thực hiện đã xây dựng quy trình thử nghiệm theo 5 nghiệm thức khác nhau.
Nhóm thực hiện khuyến cáo nông dân nên bón phân kết hợp lượng phân vô cơ cân đối và bón thêm phân hữu cơ để cải thiện dần độ phì nhiêu của đất. Nhóm cũng đã xây dựng một hệ thống gồm các câu lạc bộ nông dân trồng ca cao thuộc 3 xã: An Khánh, Quới Sơn, Phú Đức (Châu Thành) và một doanh nghiệp ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified.
Nông dân tham gia dự án sẽ được hướng dẫn thực hành UTZ Certified cho cây ca cao; thực hành nông nghiệp tốt (quản lý dịch bệnh tổng hợp, thu hái và chế biến sau thu hoạch, an toàn lao động…). Công ty TNHH một thành viên Thành Hưng Thịnh phối hợp thực hiện xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn UTZ Certified.
Kết quả, nhóm thực hiện đã xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng UTZ Certified tái chứng nhận đến năm thứ 2, với tổng số 150 hộ, diện tích 90,32ha, vượt mục tiêu ban đầu. Công ty TNHH một thành viên Thành Hưng Thịnh là đơn vị sở hữu giấy chứng nhận UTZ Certified kèm theo phụ lục là tên của các hộ tham gia sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ Certified.
Dự án được Hội đồng đánh giá cao và nghiệm thu loại khá.
Có thể bạn quan tâm

Hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chăn nuôi gà tre theo mô hình an toàn sinh học cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Để giúp ngành chăn nuôi trong nước tăng nhanh sản lượng thịt, sữa, giảm lượng nhập khẩu thì chỉ còn một cách là phải nhập nhiều hơn nữa các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao từ các nước trên thế giới về cho người dân, doanh nghiệp chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi (TACN) được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng trong các năm sắp tới. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu “phản công” từ các doanh nghiệp nội.

Ngày 15-5, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi sở NN-PTNT các tỉnh ở miền Bắc và Trung bộ đề nghị phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống nắng nóng và thiệt hại cho đàn gia súc và gia cầm.

Bò tót lai thế hệ F1 ở Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) sẽ tiếp tục được lai tạo với bò nhà để cho ra thế hệ F2 - ông Nguyễn Công Văn, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, cho biết tại hội thảo khoa học nghiên cứu và phát triển đàn bò tót lai tổ chức ở Ninh Thuận ngày 15-5.