Xây 3 Căn Nhà Đẹp Nhờ Trồng Rau Sạch

Ông Lê Xuân Chắc (ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) được nhiều người biết đến bởi ông được xem là người đi đầu trong việc trồng rau sạch tại địa phương.
Vốn là bộ đội được điều động từ Bắc vào Nam làm nhiệm vụ nhưng sau khi xuất ngũ (năm 1967), ông không trở về quê mà chọn mảnh đất Tây Ninh để ở lại lập nghiệp cùng gia đình.
Ông Chắc kể, trên diện tích đất khai phá được, gia đình ông trồng đủ các loại cây trồng nhưng đa phần đều không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ 15 năm trở lại đây, gia đình đã chuyển hướng sang trồng rau sạch, khi ấy tại đây vẫn còn chưa có ai trồng. Ban đầu chỉ trồng trên một phần đất nhưng thấy hiệu quả nên gia đình ông đã quyết định trồng hết trên toàn diện tích đất vườn.
Hiện nay, với diện tích trên 2.000m2, gia đình ông Chắc đã kết hợp trồng nhiều loại rau khác nhau như xà lách, ngò, dền, cải xanh, cải ngọt,… trong đó chủ yếu là trồng cải. Do thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cũng như được chăm sóc tốt nên vườn rau cải nhà ông phát triển nhanh. Tính từ thời điểm trồng đến khi thu hoạch chỉ mất từ 16 – 18 ngày. Mỗi đợt như vậy, gia đình ông đã có thể thu về từ 5 – 6 triệu đồng. Khi tới đợt thu hoạch, các thương lái tự đến nhà thu mua tại chỗ, gia đình không cần mang đi giao hay đem ra chợ bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chắc cho rằng trong các loại cây trồng chỉ có trồng rau là mang lại hiệu quả nhất. Bởi thời gian thu hoạch ngắn, thu hồi vốn nhanh, đầu tư ít tốn kém. Theo tính toán của ông, trừ đi các khoản chi phí mỗi năm gia đình ông thu lợi trên 100 triệu đồng từ trồng rau. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống gia đình được ổn định, ông đã xây được 3 căn nhà khang trang cho những người con của mình ổn định cuộc sống, với trị giá mỗi căn trên 200 triệu đồng.
Điều đáng khâm phục là toàn bộ các công đoạn làm đất, trồng rau, tưới nước, bón phân hay thu hoạch vườn rau trong những năm qua đều do vợ chồng ông thực hiện. Còn những người con của ông đều đã đi làm xa, không thể giúp ông trong việc trồng rau.
Ông Trương Triệu Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Bình cho biết, trong xã có nhiều hộ dân trồng rau và có cuộc sống khá lên. Riêng đối với gia đình ông Chắc, do có kinh nghiệm lâu năm trong trồng rau cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Ngoài việc là nông dân sản xuất tiêu biểu của xã, ông còn là một trong những người nhiệt tình, hăng hái trong các phong trào của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Theo các doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc từ chối nhập khẩu gạo non-basmati của Ấn với lý do không đạt được thỏa thuận chung về định mức an toàn vệ sinh. Song, phía thương nhân Ấn khẳng định gạo của nước này có chất lượng khá tốt và họ sẽ đưa ra mức giá hợp lý nếu Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu.

Trong 3 năm trở lại đây bệnh chổi rồng đã phá khoảng 6.000 ha nhãn ở ĐBSCL, ngành nông nghiệp chi hơn 100 tỷ đồng mua thuốc BVTV phòng, chống bệnh nhưng không hiệu quả.

Nhiều năm qua, nông dân vùng ĐBSCL đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất giống lúa IR50404. Và bây giờ, người dân còn ồ ạt sản xuất giống lúa Ma Lâm 202 (ML202).

Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.

Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.