Xà Lách Xoong Có Nhiều Khoáng Chất

Loài cây này có thể dùng để giúp bệnh nhân cai nghiện rượu, thuốc lá và có khả năng kháng ung thư.
Tương truyền khi đi tìm một nơi để xây dựng khu chữa bệnh, Hippocrates (ông tổ của ngành y) đã chọn địa điểm gần một bờ suối, nơi ấy mọc đầy những cọng xà lách xoong xanh tươi để ông có thể dùng chúng chữa trị cho bệnh nhân.
Thực phẩm của người nghèo
Từng bị mang tiếng là... cỏ hoang nhưng cũng có lúc xà lách xoong là cứu tinh của nhân loại. Trong quá khứ, đã từng xảy ra những cơn đại hạn khắp châu Âu làm cho nguồn cung cấp lúa mì trở nên thiếu hụt trầm trọng, lúa mì chỉ dành để cung cấp cho những danh gia vọng tộc, bấy giờ xà lách xoong bỗng được vinh danh “thực phẩm của dân nghèo”.
Xà lách xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Nó cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iodine, sắt, calcium, magnesium, kẽm... Đặc biệt, một thành phần vô cùng sáng giá hiện diện trong xà lách xoong chính là quercetin. Đây là một hợp chất flavonoid đóng vai trò quan trọng cho sự kháng viêm, đồng thời cũng là một chất thiên nhiên có chức năng chống dị ứng. Bản thân quercetin cũng là một “chiến sĩ” chống ôxy hóa, giúp cơ thể “bứng” các gốc tự do (free radicals).
Không nên nấu ở nhiệt độ cao
Vào thời đại của mình, Hippocrates đã ứng dụng xà lách xoong để chữa các bệnh cảm, ho, các bệnh về đường phổi, suyễn, táo bón... Y học cổ truyền ở một số nước đã dùng xà lách xoong để hỗ trợ cho bệnh nhân lao, thấp khớp, đau lưng, thiếu máu, tiểu đường, tim mạch, giảm thị lực, sỏi mật. Đặc biệt, xà lách xoong có thể dùng để giúp bệnh nhân cai nghiện rượu, thuốc lá.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Ulster (Anh) đã kết luận rằng trong xà lách xoong có chứa một hợp chất gọi là phenylethyl isothio cyanate (PEITC), chất này có khả năng ngăn chặn lại những quá trình gây tổn hại DNA trong bạch cầu, sự tổn hại DNA trong bạch cầu sẽ làm ngòi nổ cho các tiến trình ung thư. Nhờ đó, xà lách xoong có khả năng kháng ung thư.
Xà lách xoong dễ trồng và dễ hái, có thể tìm thấy loài cây này mọc hoang dọc theo những bờ kênh, bờ suối. Xà lách xoong cũng rất dễ chế biến, có thể dùng làm rau cải, làm gỏi, hoặc nấu canh, nhưng khi nấu canh cần nên dùng “kỹ thuật cá nhân”. Không nên nấu xà lách xoong ở nhiệt độ quá cao, vì khi đó, những hợp chất quý giá hiện diện trong xà lách xoong sẽ bị vô hiệu hóa bởi nhiệt độ cao.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày này, về miệt Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông (Tân Phước), những vùng trồng chuyên canh khoai mỡ nổi tiếng nhất Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), mọi người đều bắt gặp không khí lao động sản xuất nhộn nhịp mùa thu hoạch nông sản. Người cào cỏ, kẻ đào, người xếp khoai vào sọt để cân rồi chuyển xuống ghe xuồng theo chân thương lái đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Bà con năm nay hết sức phấn khởi vì trúng mùa trúng giá.

Nông dân ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2012. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, tình hình tiêu thụ lúa đang rất khó khăn, giá giảm mạnh.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vụ mùa năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện mô hình trình diễn sản xuất lúa gieo thẳng tại xã Xuân Quang, huyên Bảo Thắng và xã Bảo Nhai, huyên Bắc Hà với diện tích 15 ha.

Do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ngay từ đầu hè nên nhiều diện tích chè tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị cháy búp, gây thiệt hại lớn.

Việc hướng nông dân làm theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là hết sức bức thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.