Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai

Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.
Theo UBND xã An Phú, tổng đàn bò của xã có khoảng 2.100 con, trong đó bò lai chiếm hơn 85%, được nuôi tập trung tại các thôn Phú Lương, Phú Liên, Chính Nghĩa, Xuân Dục.
Các gia đình ở đây nuôi bò từ lâu nhưng mấy năm gần đây nhờ giá cả ổn định, dịch bệnh được khống chế nên bà con tập trung đầu tư phát triển đàn bò cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều giống bò lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Kỷ ở thôn Phú Lương cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi bò cỏ. Từ ngày được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tập huấn, hướng dẫn nuôi các giống bò lai, gia đình tôi bán hết bò cỏ chuyển sang nuôi bò lai. Ban đầu tôi chỉ đủ vốn mua 2 con bò lai Brahman về nuôi, sau đó đàn bò tăng lên 7 con, với giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Kỷ, ở xã An Phú hầu như nhà nào cũng đầu tư chuyển đổi con giống từ bò cỏ sang bò lai để nuôi. Theo ông Ngô Tấn Sỹ ở thôn Phú Lương, nhờ học được cách nuôi bò vỗ béo từ các buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh mà gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mua giống bò lai Zebu về nuôi.
Hiện đàn bò nhà ông luôn có 11 con; ban đầu ông bỏ vốn mua bò giống loại 6 tháng tuổi, giá thành từ 17 đến 20 triệu đồng/con, về nuôi được 1 năm thì xuất bán với giá khoảng 30 đến 35 triệu đồng/con, bình quân mỗi lứa gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Sỹ cho biết: “Để bò có giá trị cao, ngoài việc trồng cỏ cung cấp thức ăn thường xuyên cho bò, vào những tháng cuối trước khi xuất bán tôi còn cho bò ăn thêm cám tổng hợp để “thúc” cho bò tăng trọng, bán được giá hơn”.
Cùng với nuôi bò thịt, người dân xã An Phú cũng đầu tư nuôi bò cái sinh sản. Ông Đặng Văn Lưu ở thôn Chính Nghĩa cho hay: Nhà tôi đang nuôi 7 con bò cái, bình quân mỗi năm đẻ được 7 con bò con, nuôi các con bò con này thêm 6 tháng nữa sẽ bán với giá từ 17 đến trên 20 triệu đồng/con.
Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò con. Cũng theo ông Lưu, thường thì mỗi con bò cái có thể sinh sản khoảng 20 năm mới phải loại để bán thịt nên người nuôi chỉ cần bỏ vốn gầy giống 1 lần, sau đó chỉ cần chịu khó chăm sóc để duy trì đàn thì sẽ có thu nhập đều đặn.
Khi nuôi bò, bà con của địa phương này rất quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định.
Ông Dương Phước ở thôn Phú Liên cho biết: 8 con bò cái sinh sản là gia tài lớn nhất của gia đình tôi, mọi nguồn chi lớn trong gia đình như cất nhà, mua xe máy hay cho con cái ăn học đều dựa vào chúng. Vì vậy gia đình tôi đều tuân thủ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch cho đàn bò để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nga, cán bộ thú y xã An Phú, nhờ bà con có ý thức phòng dịch cao, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nên tỉ lệ tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin lở mồm long móng trên đàn bò của xã luôn đạt trên 90% tổng đàn. Nhiều năm trở lại đây, đàn bò của địa phương ít xảy ra dịch bệnh.
Theo UBND xã An Phú, hiện nay nuôi bò lai là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con tiếp cận cách nuôi bò cho hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2012, lần đầu tiên sản phẩm yến sào Hội An bị “đóng băng” khiến ngân sách địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho loại đặc sản này.

Năm 2012, Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức được 108 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, cá lóc, ếch Thái Lan... cho 2.160 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 60 mô hình (31 mô hình nuôi lươn, 16 mô hình nuôi ếch, 13 mô hình nuôi cá lóc) tại thị xã Tân Châu và các huyện: Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới và An Phú... đạt kết quả tốt.

Trước thực trạng diễn ra của bệnh tôm, đặc biệt là hội chứng tôm chết sớm (viết tắt EMS hoặc AHPNS) chưa xác định tác nhân gây ra, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất người nuôi triển khai nuôi tôm theo mô hình mới. Gọi là mới vì mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác hẳn cách nuôi truyền thống và tuy chỉ là bước khởi động nhưng cho thấy dấu hiệu ban đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu do hội chứng EMS.

Giá tôm trên thị trường hiện nay tại ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức khá cao. Tôm sú 30 con/kg, giá bán từ 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 85.000 - 90.000 đồng/kg, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.