Vươn Lên Làm Giàu Từ Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Vật Nuôi

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Xuyến, đội 19, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) tìm ra hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nâng cao thu nhập từ mảnh ruộng của gia đình.
Khởi nghiệp từ cây lúa, chị Xuyến cho biết: Trước đây không có nghề phụ, kinh tế của gia đình chỉ dựa vào 4.000m2 ruộng. Do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa chủ yếu theo lối truyền thống với những giống lúa cũ nên năng suất thấp, lúa thu hoạch được chỉ đủ phục vụ nhu cầu của gia đình.
Không quản khó khăn, vất vả tôi vẫn kiên trì bám đồng, bám ruộng, gần 40 năm cần mẫn với đồng ruộng cũng là từng ấy thời gian tôi không ngừng học hỏi để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây lúa. Giờ đây, tôi có niềm tin nhiều hơn về cơ hội vươn lên làm giàu trên chính mảnh đồng của mình.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chị Nguyễn Thị Xuyến, đội 19, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đã làm giàu trên chính mảnh ruộng của gia đình.
Những năm gần đây, xã Thanh Hưng tập trung đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất cùng với áp dụng kỹ thuật canh tác “ba giảm, ba tăng”, thâm canh lúa cải tiến nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với những chính sách hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật… chị Xuyến đã mạnh dạn đăng ký tham gia trồng thử nghiệm những giống lúa mới ngắn ngày có khả năng kháng sâu bệnh cao như: IR 64, Hoa ưu 109, Delta 203… trên diện tích 800m2 đều cho năng suất cao từ 70 – 75 tạ/ha.
Bên cạnh việc tích cực trồng thử nghiệm các giống lúa mới chị Xuyến vẫn chú trọng trồng giống lúa bắc thơm số 7 và áp dụng theo đúng lịch gieo cấy thời vụ, đúng kỹ thuật, đồng thời cơ giới hóa sản xuất từ khâu chuẩn bị đất cho đến khi thu hoạch.
Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, vụ đông xuân năm nay, trước khi lúa trỗ đòng gia đình chị phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng các loại bệnh đạo ôn, khô vằn, cổ bông, sâu cuốn lá… nên tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí thuốc bảo vệ thực vật mà đảm bảo cho cây lúa trỗ bông tốt.
Vụ lúa này gia đình chị thu được 2,8 tấn thóc. Chị Xuyến dự tính: Với giá lúa trên thị trường hiện nay từ 800.000 – 850.000 đồng/tạ, sau khi trừ chi phí ước thu được gần 10 triệu đồng. Bên cạnh việc trồng lúa 2 vụ, chị còn cải tạo đất ruộng để trồng hơn 1.500m2 rau vụ đông, cũng cho thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/vụ.
Có được nguồn thu từ trồng lúa và rau màu, chị tích lũy vốn đầu tư chăn nuôi hơn chục con lợn thương phẩm, đào trên 500m2 ao thả cá, chăn nuôi vịt, trồng cây ăn quả… để tranh thủ những lúc nông nhàn và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi vụ sản xuất sau khi trừ chi phí tổng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình chị Xuyến đạt trên 50 triệu đồng.
Đi đúng hướng, thành công trong cách nghĩ, cách làm, chị Xuyến không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Thanh Hưng mà còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông bản Thanh Xuân. Chị Xuyến thường xuyên vận động dân bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tích cực tham gia sản xuất theo các mô hình khuyến nông để vươn lên thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, thực tế trong một số năm gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước để chế biến xuất khẩu.

Chỉ chưa đầy 1 ngày sau khi có thông tin về việc cơ quan chức năng ở cửa khẩu Đen Sa Vẳn (Lào) đánh "thuế" nặng mặt hàng nông sản chuối. Tin vui cho tiểu thương và nông dân trồng chuối ở tỉnh Quảng Trị là, "thuế" nặng đã được gỡ bỏ...

Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), chăn nuôi bò sữa tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua, với sản lượng năm 2014 tăng hơn 20% so với năm 2013, nhưng sản lượng đó mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất khi Việt Nam tham gia TPP, song một số doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng với sân chơi mới bằng cách lựa chọn những sản phẩm mà các "ông lớn" không làm.

Ngày 7/10, Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển về sự phát triển bền vững phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi tổ chức hội thảo thông tin tuyên truyền mở rộng vùng GAP năm 2016 – 2017 tại ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.