Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Bắc Sông Cửu An

Hiện nay, người nuôi cá thuộc dự án nuôi thủy sản tập trung bắc sông Cửu An (Ninh Giang - Hải Dương) đang gặp khó khăn về giao thông, nguồn nước...
Chồng chất khó khăn
Anh Nguyễn Chí Mạn (xã An Đức) cho biết: “Đất chua, kinh nghiệm nuôi chưa có, trong khi đó cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn nhưng chúng tôi vẫn bám trụ. Sau 10 năm chuyển đổi, khó khăn vẫn chưa hết. Hiện nay, khó nhất là giao thông. Vì đường đi gập ghềnh nên xe vận chuyển cá chỉ nặng 1-2 tấn cũng không thể đi được vì dễ bị sa lầy. Hôm nào trời mưa bão, giá cá đắt thì xe lại không vào được, còn hôm nào trời nắng, giá cá rẻ thì xe mới vào được để lấy hàng”.
Còn anh Nguyễn Văn Ngà (xã An Đức) cho biết: “Hệ thống lấy và tiêu nước đang chung nhau gây nên nhiều bất tiện. Hằng ngày, tôi vẫn phải bổ sung nước cho ao nuôi. Một lần, do không biết có gia đình ao nuôi cá bị bệnh, họ bơm gạn nước để thu cá nên tôi đã lấy nước đó vào khiến ao cá nhà tôi bị lây bệnh, cá chết khá nhiều. Không có nguồn nước sạch nên tình trạng cá chết thường xuyên xảy ra. Hầu như ngày nào gia đình tôi cũng có cá chết”.
Không chỉ khó khăn về đường giao thông, nguồn nước ra vào mà thời gian gần đây, các hộ dân nuôi thủy sản còn gặp khó do giá bán sản phẩm xuống thấp.
Cần có giải pháp đồng bộ
Vừa qua, huyện Ninh Giang đã tổ chức 1 đoàn đi kiểm tra tại vùng nuôi thủy sản bắc sông Cửu An và thừa nhận hệ thống đường giao thông ở đây hầu hết vẫn là đường đất. Do sử dụng lâu ngày nên nhiều đoạn đã xuống cấp, người dân khắc phục bằng việc lấp gạch vụn. Có 2,2 km thuộc tuyến đê Bắc Hưng Hải đoạn qua xã Vạn Phúc xuống cấp rất nghiêm trọng, cỏ dại mọc 2 bên đường, vũng lầy không được lấp, trời mưa không đi được.
Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Đến nay, dự án nuôi thủy sản tập trung bắc sông Cửu An đã được giao về địa phương quản lý. Vì thế việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng do địa phương thực hiện. Tuy nhiên, do đây là dự án nuôi thủy sản tập trung đầu tiên của tỉnh nên trong thiết kế vẫn còn những hạn chế như chưa quy hoạch đường giao thông, hệ thống kênh mương tưới tiêu riêng...
Để khắc phục những hạn chế trên, các xã trong vùng dự án và huyện Ninh Giang cần có văn bản đề nghị bổ sung thêm một số hạng mục công trình. Các hộ cần rải vụ nuôi cá để tránh thu hoạch cùng lúc nhằm hạn chế thiệt hại do tư thương ép giá. Nên nuôi một số loại thủy sản thích nghi với nhiều điều kiện, môi trường sống.
Dự án nuôi thủy sản bắc sông Cửu An được triển khai từ năm 2003, trên diện tích 115 ha ở 3 xã An Đức, Hoàng Hanh và Vạn Phúc (Ninh Giang). Sau 10 năm thực hiện, đến nay đã có 266 hộ tham gia chuyển đổi với diện tích 108 ha, còn 17 hộ chưa chuyển đổi. Theo một điều tra của huyện Ninh Giang từ năm 2011, lợi nhuận từ việc nuôi thủy sản là 40 triệu đồng/ha/năm.
Có thể bạn quan tâm

N25 có TGST ngắn (85 - 90 ngày ở vụ HT) trong điều kiện gieo thẳng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận khá, chất lượng gạo ngon, cơm mềm...

Liên tục mấy ngày qua, gia đình ông Hồ Phú Sâm, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải thuê người vớt cá điêu hồng gần đến ngày thu hoạch bị chết tại bè nuôi cá trên sông Cu Đê đưa đi tiêu hủy.

Vụ đông năm nay Thái Bình dự kiến gieo trồng trên 35.000 ha gồm nhiều loại cây trồng. Song chủ yếu tập trung vào nhóm cây trồng chính là khoai tây, bí xanh, ớt, ngô và rau đậu các loại.

Theo Trạm Khảo kiểm nghiệm sản phẩm giống cây trồng Văn Lâm, mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ đã giúp lúa có sức chống chịu tốt hơn, thân cứng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và đặc biệt là năng suất vượt trội...

Chi cục BVTV Hải Phòng cho biết, hiện nay trên đồng ruộng toàn thành phố, sâu đục thân hai chấm phát triển mạnh và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa vụ mùa.