Vua Tôm Võ Hồng Ngoãn Nuôi Tôm An Toàn Sinh Học Từ Bã Mía

Thời gian gần đây, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn đã liên tục trúng mùa nhờ phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học từ việc tận dụng bã mía.
Việc nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi nông dân phải sử dụng nhiều hóa chất hoặc các chế phẩm sinh học. Theo thời gian, nguồn nước và đất sẽ ô nhiễm do các loại hóa chất còn tồn dư trong quá trình nuôi.
Do đó, cái khó của người nuôi tôm là càng nuôi lâu trên một diện tích đất thì sẽ càng tăng chi phí và tỷ lệ thành công giảm xuống. Đã có nhiều nông dân phải bỏ ao một thời gian dài hoặc tìm một mô hình khác thay thế cho con tôm công nghiệp.
Trước tình trạng trên, ông Võ Hồng Ngoãn - “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) - đã tìm tòi và thực hiện thành công mô hình nuôi tôm an toàn sinh học bằng phương pháp tận dụng chất thải từ cây mía.
Điểm đặc biệt của mô hình này là từ khâu cải tạo ao cho đến ngày thu hoạch, người nuôi chỉ cần bón bột bã mía trong ao mà không cần dùng đến bất kỳ một loại hóa chất nuôi trồng thủy sản nào khác.
Theo ông Ngoãn: “Bột bã mía sẽ làm cho độ kiềm và độ pH trong ao nuôi luôn ổn định, nước trong ao luôn dồi dào nguồn vi sinh vật có lợi, và gần như không có vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (loại vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm). Từ đó giúp nông dân giảm nguy cơ rủi ro trong nuôi tôm. Không chỉ vậy, việc nuôi tôm bằng bột bã mía còn giúp tái tạo môi trường ở những ao nuôi nhiễm hóa chất từ những vụ tôm trước”.
Phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học từ việc sử dụng bã mía bước đầu đem lại hiệu quả và an toàn (tất nhiên cũng cần có sự thẩm định một cách khoa học) đã góp phần giải quyết tình trạng treo ao vì ô nhiễm môi trường của nhiều nông dân hiện nay.
Bột bã mía được bán tại các lò mía đường với giá 2.400 đồng/kg. Qua sổ tay theo dõi ao nuôi của ông Ngoãn, để thực hiện thành công 1 vụ nuôi, mỗi héc-ta ao nuôi cần 2.500kg bột bã mía, tương đương chi phí 6 triệu đồng/ha/vụ. Sử dụng bột bã mía giúp nông dân tiết kiệm hơn 50% chi phí so với nuôi tôm bằng các loại hóa chất và thuốc nuôi trồng thủy sản.
Bã mía là thứ bỏ đi hoặc chỉ có thể dùng để bón cho cây, nhưng không ai ngờ nó lại là “thần dược” cho con tôm. Thiết nghĩ, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học từ bã mía của “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn sẽ mở ra một hướng đi mới, mang lại sự an toàn, tiết kiệm cho người nuôi tôm công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, trong đó lúa là cây trồng chủ lực; Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định.

Mặc dù tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, diện tích mía trong tỉnh đang bị giảm mạnh.

Thời gian qua, nhận thấy trồng cây ăn trái theo kiểu manh mún nhỏ lẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tích cực vận động các nhà vườn tăng cường liên kết, thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) cây ăn trái. Sự ra đời của các tổ chức kinh tế tập thể này đã và đang hứa hẹn sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ trái cây của nhà vườn trên địa bàn huyện.

“Thị trường cây giống luôn dao động, vì thế đòi hỏi người sản xuất phải luôn đi trước đón đầu tìm giống mới để không bị lạc hậu”. Đó là suy nghĩ của anh Lê Văn Thảo, được xem là “tỷ phú” cây giống mãng cầu ở ấp An Thạnh, xã Long Thới, huyện Chợ Lách.

Trong tháng 8/2015, công tác kiểm dịch động vật xuất nhập tỉnh và kiểm soát giết mổ được huyện Đức Linh thực hiện thường xuyên. Cụ thể, huyện đã kiểm dịch gần 180.000 con gia súc, gia cầm, trong đó gồm 25.799 con heo, 153.490 con gia cầm thương phẩm xuất ra ngoài huyện.