Vụ Lúa Trên Đất Nuôi Tôm Khó Đạt Mục Tiêu Do Thời Tiết Bất Lợi

Mục tiêu đặt ra cho vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 toàn tỉnh Cà Mau trên 43.000 ha. Thế nhưng, theo bà con nông dân, năm nay việc sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những năm trước. Chính điều đó khiến nông dân lưỡng lự trong việc chọn giống cũng như thời gian xuống giống.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm từ khi đưa vào sản xuất được đánh giá là mô hình mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Chính vì thế, mô hình này ngày một được nhân rộng ra nhiều huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, trong vụ mùa 2014 này, TP Cà Mau đưa ra chỉ tiêu 1.700 ha, U Minh phấn đấu 10.000 ha, Thới Bình là 25.000 ha, Trần Văn Thời 4.000 ha, Cái Nước dự kiến đạt 3.000 ha. Thế nhưng, những mục tiêu này rất khó đạt được.
Ðã hơn 7 năm canh tác lúa trên đất nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình tích luỹ khá nhiều kinh nghiệm.
Thế nhưng, đến thời điểm này ông vẫn chưa có động thái nào chuẩn bị vụ mùa. Ông Hùng nhận định, thời tiết diễn biến rất thất thường, mưa nắng cục bộ nên rất khó rửa mặn. Tuy đã có những trận mưa lớn nhưng lượng mưa không đều nên đến thời điểm này nước trong vuông vẫn còn độ mặn trên 6%o; nước dưới sông cũng còn mặn từ 7-8 %o.
Ðộ mặn còn cao, không thể xuống giống, trong khi giá tôm hiện nay cũng đang duy trì mức cao khiến nhiều hộ dân lưỡng lự trong việc rửa mặn chuẩn bị vụ lúa. Ông Ðoàn Văn Luôn, ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh, nhận định, ngoài những nguyên nhân trên, diễn biến thời tiết cho thấy năm nay mùa mưa sẽ kết thúc sớm hơn những năm trước. Ðiều đó đồng nghĩa với nước mặn sẽ về sớm vào thời điểm lúa làm đòng hay trổ bông, từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Những lo ngại của người dân cho vụ lúa trên đất nuôi tôm là hoàn toàn có cơ sở trong điều kiện thời tiết hiện nay cũng như tình trạng đất nhiều năm đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Trần Thức, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, khuyến cáo, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt năng suất cao, nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ đã được Sở NN&PTNT đưa ra. Ðồng thời, nên chọn những giống lúa ngắn ngày để né nắng sớm, nước mặn về trước thời gian dự kiến.
Chọn lúa ngắn ngày được xem là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện thời tiết hiện nay, nhưng ông Hùng lại cho rằng, đa phần các giống lúa ngắn ngày là các loại lúa lai, giá thành giống rất cao (trên 100.000 đồng/kg) nên chi phí sản xuất sẽ tăng cao. Ðồng thời, với thời tiết ẩm như hiện nay mạ rất dễ bị thiệt hại do bệnh đạo ôn và nhiều loại sâu, bệnh khác.
Những khó khăn trên có thể dẫn đến khả năng vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay không đạt theo kế hoạch đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Ở thôn 2 xã Trà Linh (Nam Trà My), các hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đứng ra vay vốn ưu đãi của Nhà nước để trồng cây sâm Ngọc Linh. Dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thoát nghèo nên hiện tại nhiều chị em nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ đồng.
Sở KH-CN vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh hại trên cây hoa lily tại Quảng Nam”, do Th.S Nguyễn Văn Tân - Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chủ nhiệm.

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác của ngư dân hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong định hướng phát triển, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nghề, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả năng xuất khẩu như: tôm, mực, cá ngừ, cá thu, nhóm cá nổi lớn.

Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định 3195/QĐ-BNN-TCTS do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) siêu thâm canh tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Châu Thành. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 2.437.730.000 đồng, vốn đối ứng của dân là 2.562.270.000 đồng) từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ; thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2017).