Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại

Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại
Ngày đăng: 12/09/2014

Bình diện chung toàn tỉnh, vụ sản xuất lúa hè thu 2014 thành công. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những ưu phiền, nhất là khi một bộ phận nông dân bị thất bát, khiến niềm vui chưa được trọn vẹn…

Vụ hè thu này, nhiều hộ nông dân “bể bồ” lúa, khi ở Mộ Đức năng suất bình quân ước 64 tạ/ha, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành 63 tạ/ha…Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung thì nông dân một số địa phương cũng có những nỗi buồn riêng. Ấy là nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang vì thiếu nước hoặc sa bồi thủy phá do cơn lũ hồi giữa tháng 11.2013, nông dân “xé” quy trình kỹ thuật khiến kết quả sản xuất ở một số cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không như mong đợi…

Nỗi buồn… thất thu

Trong khi nông dân trong huyện hồ hởi, phấn khởi vì lúa được mùa, thì bà con các thôn Phú Khương, Trũng Kè của xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) lại rầu lòng vì cả hai vụ đông xuân và hè thu, họ đều…bỏ ruộng! Lý do là vụ đông xuân, ruộng bị sa bồi thủy phá do trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 gây ra nên không thể gieo sạ, đến vụ hè thu thì lại thiếu nước nên 62 ha trên cũng được… “nghỉ ngơi”. Điều này khiến bà con nông dân nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở thôn Trũng Kè đối mặt với nguy cơ thiếu ăn ngay trong mùa gặt. 

Dù không gieo sạ được nhưng xem ra, bà con ở Phú Khương, Trũng Kè vẫn còn “may mắn” hơn nông dân thôn Ruộng Vỡ và Trường Lệ vì họ chưa phải mất “cả công lẫn tiền”. Bởi dù gieo sạ được, nhưng hơn 18ha lúa ở hai thôn Ruộng Vỡ và Trường Lệ lại thiếu nước nên cháy nắng, mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại này khiến bà con điêu đứng. Vì “chắt bóp mãi cây lúa mới lớn, đến khi gần được ăn thì bị khô hạn chỉ thu được rạ. Đúng là trời hại”, bà Đinh Thị Rơn, ngụ thôn Ruộng Vỡ nói như than.

Không riêng gì Hành Tín Tây mà vụ hè thu 2014, huyện Nghĩa Hành có gần 163ha diện tích ruộng ở các xã Hành Tín Đông, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh… không gieo sạ được hoặc mất trắng hoàn toàn do thiếu nước. Vậy nên hiện giờ, khi nông dân các nơi trong tỉnh đang hồ hởi gặt, phơi cất lúa thì bà con các địa phương trên lại thấp thỏm lo…đói và mong nhận được sự hỗ trợ của cấp trên (chủ yếu là gạo) để đảm bảo cái ăn khi mùa mưa sắp tới.     

…và “xé” quy trình kỹ thuật

Thật ra, CĐML lúa là bước nối dài của kỹ thuật sản xuất IPM “3 giảm, 3 tăng” mà nhiều năm nay, bà con nông dân đã được ngành khuyến nông hướng dẫn và thực hiện. Nếu khác, có chăng chỉ là diện tích sản xuất tập trung lớn hơn, số hộ tham gia nhiều hơn.

Biết thế nhưng vụ hè thu vừa rồi, nhiều CĐML lúa lại chưa thật sự đạt được kết quả như mong đợi. Đó là tình trạng ruộng mô hình không đồng nhất (gieo sạ dày, mỏng) khiến nơi được lúa, chỗ ngã đổ; CĐML “lõm”-tức ngay giữa 15-20 ha lúa chung giống của CĐML lại lọt vào những đám ruộng…khác giống! Điều đáng nói là tình trạng này lại xảy ra tại những nơi đã từng được triển khai thí điểm sản xuất lúa theo mô hình IPM “3 giảm, 3 tăng” từ 3-4 năm về trước.

Do vậy, khi tham gia đánh giá kết quả những CĐML này, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh (TT) Lê Văn Việt thẳng thắn: “Rất nhiều nông dân khu vực đồng bằng khi tham gia sản xuất CĐML đã tự ý thêm giống, “xé” quy trình kỹ thuật, còn bà con khu vực miền núi thì “mình không biết mua giống này (VN121-PV) ở đâu chứ nếu biết, mình cũng thêm chứ giống cán bộ cấp… ít quá”. Nghe vậy, chúng tôi cũng hết cách. Chỉ buồn là không biết đến bao giờ, nông dân trong tỉnh mới tiến được đến sản xuất lúa hàng hóa”. 

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cũng không khỏi bất ngờ sau khi trực tiếp kiểm tra một số cánh đồng lúa mẫu của các địa phương. Đó là sự chênh lệch quá lớn về mật độ cây, sâu bệnh, tỷ lệ ngã đổ và năng suất lúa giữa các đám ruộng. “Điều này thể hiện “tay nghề” của từng hộ nông dân, bởi chung giống, cùng quy trình chăm sóc, rồi thổ nhưỡng ruộng cũng tương đối giống nhau nên không thể có chuyện lúa “vênh” nhiều đến thế”, ông Tô nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Ngư dân Hồng Ngự kém vui vì nước nhỏ, cá ít Ngư dân Hồng Ngự kém vui vì nước nhỏ, cá ít

Cùng thời điểm này những năm trước, người dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã có thể hưởng lợi từ mùa lũ do lượng cá, tôm về nhiều. Tuy nhiên, người dân cho biết hiện nay vẫn chưa có nước nhiều cùng với việc ghe cào đánh bắt cá bằng điện nên nguồn thủy sản đã giảm đi trông thấy.

20/08/2015
Sinh sản nhân tạo giống lươn đồng Sinh sản nhân tạo giống lươn đồng

Trung tâm giống thủy sản Bình Định (Trung tâm) đã cho lươn đồng sinh sản thành công, tạo ra được con giống chất lượng. Các mô hình nuôi lươn thương phẩm trong môi trường không bùn cũng đã cho kết quả khả quan.

20/08/2015
Mô hình nuôi cua nhân tạo và sử dụng thức ăn công nghiệp Mô hình nuôi cua nhân tạo và sử dụng thức ăn công nghiệp

Trong những năm gần đây mô hình nuôi cua bằng con giống tự nhiên phát triền Tại Cần Giờ (TP.HCM) chủ yếu được nuôi theo truyền thống với hình thức nuôi quãng canh cải tiến bằng con giống tự nhiên được thả nuôi với mật độ 3 - 5 con/m2, tỷ lệ sống thấp và sử dụng thức ăn cá tạp suốt quá trình nuôi.

20/08/2015
Bà Rịa Vũng Tàu tăng cường ứng dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu tăng cường ứng dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản

Ngày 14-8 vừa qua, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp Công ty CP đánh giá chứng nhận Globalcert đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho Công ty TNHH thủy sản Mạnh Cường, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho sản phẩm tôm thẻ chân trắng, được nuôi trên diện tích 3ha với sản lượng dự kiến khoảng 48 tấn/năm. Giấy chứng nhận này có giá trị đến tháng 7-2017.

20/08/2015
Tạo sức bật cho kinh tế biển Tạo sức bật cho kinh tế biển

Nhắc đến nghề khai thác biển, nhiều người nghĩ ngay đến cửa biển Sông Đốc, bởi đây không chỉ là cửa biển lớn, có đội tàu hùng hậu nhất tỉnh Cà Mau mà xứ biển này nhiều năm qua đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Để tiếp tục phát huy thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh, huyện đã có không ít chính sách ưu đãi, từ đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá cho đến đổi mới trang thiết bị, phương tiện, hướng tới hiện đại hoá.

20/08/2015