Vĩnh Phúc Tổng Kết Mô Hình Nuôi Cá Giống Mới Năm 2014

Sáng 27/1/2015, Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi cá giống mới năm 2014. Dự hội nghị có đại diện Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT các huyện, thành, thị và 50 hộ tham gia mô hình.
Thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh, tháng 4/2014, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình nuôi cá giống mới cho 50 hộ dân trên địa bàn, với tổng diện tích 40ha. Mô hình nuôi cá giống mới hỗ trợ 1,2 triệu con cá rô phi đơn tính giống Đường nghiệp và 40 nghìn cá chép lai ba máu cho các hộ nuôi.
Với mật độ nuôi 3 con/m2 (cá rô phi đơn tính) và 1 con/m2 (cá chép lai), cá sinh trưởng phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 80%. Trong suốt quá trình nuôi, cá được cho ăn 2 - 3 lần/ngày, sử dụng 100% cám công nghiệp có hàm lượng đạm 28 - 40% và thường xuyên được cán bộ kỹ thuật của Chi cục theo dõi, giám sát.
Sau hơn 5 tháng nuôi, cá cho thu hoạch trọng lượng bình quân đạt 700 - 800gam/con (14,2 tấn/ha), chất lượng thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Với giá bán 33.000 - 35.000đ/kg, trừ chi phí, cho thu lãi trên 100 triệu đồng/ha; hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi các loài cá truyền thống. Mặt khác, thời gian nuôi ngắn, sớm cho thu hoạch (khoảng 5 tháng); vì vậy, có thể nuôi 2 vụ/năm.
Thành công từ mô hình nuôi cá giống mới năm 2014, mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản của tỉnh phát triển ổn định. Năm 2015, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc tiếp tục hỗ trợ cá giống cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn toàn tỉnh, tiến tới sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh.
Có thể bạn quan tâm

Trước thực tế nhiều mặt hàng nông sản như vải, dưa hấu, thanh long... ùn ứ, ngày 14-5, Bộ Công thương, Bộ NN PTNT đã có buổi họp tìm giải pháp.

Trên khu đồi rộng hơn 2 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Đồng, thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang diện tích trồng dứa đang cho thu hoạch.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Thuận, do thời tiết nắng nóng kéo dài nên bệnh thán thư và vàng cành trên thanh long gia tăng. Cụ thể, diện tích nhiễm thán thư là 335 ha, tăng 8 ha so với thời điểm cuối tháng 4/2015 và tăng 270 ha so cùng kỳ năm 2014, phân bố chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc.

Khi đi tham quan nhà vườn ở Nam bộ, ông Trần Thái, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) rất thích giống mít tố nữ Malaysia hạt lép, bởi giống mít này ngon hơn giống mít tố nữ nội địa. Ông liền đưa giống mít đặc sản này về trồng ở trang trại gia đình. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm 10 cây, đến nay đã có 200 cây mít đặc sản trong vườn.

Ngành chuyên môn cùng các nhà vườn ở địa bàn được xem như “thủ phủ” vườn trái cây có múi của tỉnh Hậu Giang là huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội.