Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vị Xuyên tập trung chăm sóc lúa vụ Mùa

Vị Xuyên tập trung chăm sóc lúa vụ Mùa
Ngày đăng: 26/08/2015

Chị Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “Ngay từ đầu vụ, Phòng đã cử cán bộ thường xuyên sâu sát cơ sở; trực tiếp hướng dẫn bà con làm đất, gieo mạ, đảm bảo cấy lúa Mùa trong khung thời vụ tốt nhất. Đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Phối hợp với các phòng chuyên môn tăng cường giám sát tình hình, dự báo thời điểm phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp phòng trừ...”.

Vụ Mùa năm nay, huyện Vị Xuyên chủ yếu gieo cấy các giống lúa: Nhị ưu 838, Nhị ưu 725, Kim ưu, Việt Lai 20, BC 15... Thời gian qua, do thời tiết diễn biến phức tạp đã xuất hiện một số sâu, bệnh hại lúa như: Sâu cuốn lá, rầy, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn... trên một số diện tích lúa ở các xã: Đạo Đức, Trung Thành, Tùng Bá, Kim Thạch, Phú Linh, thị trấn Vị Xuyên... Chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chuyên môn của huyện Vị Xuyên đã trực tiếp kiểm tra tại những cánh đồng bị sâu bệnh hại, cấp thuốc và hướng dẫn bà con xử lý kịp thời. Với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn bà con nhân dân rút nước khô ruộng 2 - 3 ngày khi bệnh mới chớm xuất hiện để làm giảm tốc độ phát triển và lây lan của bệnh; bón phân cân đối, tăng cường kali giai đoạn bón thúc đòng; sử dụng các thoại thuốc: Sasa 25WP, Kasumin 2SL, Apolists... đồng thời kết hợp biện pháp phun phân bón qua lá như phân Đầu trâu, phân bón Viên sủi... để kích thích sự sinh trưởng trở lại của lúa.

Bên cạnh đó, huyện Vị Xuyên cũng tích cực đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao KHKT giúp nhân dân nắm vững quy trình canh tác đối với từng loại cây trồng; qua đó, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Từ đầu năm đến nay đã mở được 64 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây vụ Đông; kỹ thuật ủ phân chuồng, phân xanh; kỹ thuật chăm sóc lúa lai... thu hút trên 3.000 lượt người tham gia. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động triển khai công tác chống hạn theo phương án tập trung nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ Mùa.

Do vụ Mùa có điều kiện nhiệt độ cao, thời gian sinh trưởng của lúa rút ngắn, hơn nữa thời tiết năm nay diễn biến phức tạp nên lúa rất dễ mắc các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá, sâu đục thân... Vì vậy, bà con nên thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa để phát hiện sớm sâu bệnh hại, chủ động có biện pháp phòng trừ. Đồng thời, bà con cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cán bộ chuyên môn trong việc chăm sóc và bảo vệ lúa Mùa. Các ngành chuyên môn của huyện cần đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa và phòng, trừ sâu bệnh hại đảm bảo đúng quy trình, an toàn cho người và môi trường sinh thái.

Với sự chủ động, tích cực trong công tác chăm sóc lúa vụ Mùa của chính quyền, các ngành chuyên môn và bà con nông dân, tin tưởng rằng huyện Vị Xuyên sẽ giành thêm một vụ Mùa thắng lợi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân.


Có thể bạn quan tâm

Ông Giám Đốc Làm Ông Giám Đốc Làm "Bà Đỡ" Của Nông Dân

Với nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông Trần Viết Lượng- Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long (trụ sở ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) là một "bà đỡ" thực sự.

21/06/2013
Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Vườn Đồi Trên Vùng Đất Tái Định Cư Thoát Nghèo Nhờ Mô Hình Vườn Đồi Trên Vùng Đất Tái Định Cư

Ông Lò Văn Giảng người dân tộc Thái 66 tuổi bản Tạo Xen, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay do gia đình quá nghèo khó, ông luôn trăn trở làm sao để có thêm thu nhập giảm bớt khó khăn cho gia đình, sau nhiều năm suy nghĩ làm gì để có nguồn thu, ông quyết định làm trang trại vườn rừng nơi vùng đất tái định cư thị xã Mường Lay.

21/06/2013
Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường Qua Khảo Sát Nghề Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Còn Nhiều Bất Cập Về Kỹ Thuật Và Môi Trường

Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.

21/06/2013
Ra Tù Làm... Ông Chủ Ra Tù Làm... Ông Chủ

Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.

22/06/2013
Khuyến Cáo Người Dân Nuôi Tôm Nên Xây Dựng Ao Lắng Ở Long An Khuyến Cáo Người Dân Nuôi Tôm Nên Xây Dựng Ao Lắng Ở Long An

Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.

05/03/2013