Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vì Sao Trái Cây Đặc Sản Mãi Bấp Bênh?

Vì Sao Trái Cây Đặc Sản Mãi Bấp Bênh?
Ngày đăng: 23/09/2014

Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Việc nông dân, doanh nghiệp Bình Thuận đang khốn đốn vì thanh long rớt giá, phải đổ bỏ; còn thanh long đạt chất lượng, tiêu chuẩn để xuất khẩu lại khan hiếm là chuyện không phải cá biệt. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nếu không cải thiện được khâu sản xuất, không đầu tư mạnh cho xúc tiến thương mại mà chỉ phụ thuộc vào một thị trường thì nhiều loại trái cây chủ lực của Việt Nam cũng sẽ “chết”.

“Thoát chết” nhờ thị trường nội địa

Tổng kết mới đây của Bộ Công thương cho thấy mùa vải thiều năm 2014 thắng lợi ngoạn mục với 60.000 tấn được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam - chiếm hơn 60% sản lượng thu hoạch, tương đương lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2013 nhưng giá bán lại cao hơn.

Thành quả ngoài mong đợi này có phần do tâm lý người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt trong lúc diễn biến tình hình biển Đông phức tạp, vải thiều khó xuất sang Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng. Cụ thể, từ giữa tháng 6, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP.HCM tổ chức xúc tiến thương mại mặt hàng vải thiều; UBND TP.HCM ký kết hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng đặc sản này.

Các hệ thống phân phối cũng nhanh chóng vào cuộc, trực tiếp tổ chức thu mua, đẩy nhanh khâu tiêu thụ. Chỉ riêng hệ thống Co.opmart đã tiêu thụ 400 tấn, Metro tiêu thụ khoảng 200 tấn, Big C cũng tiêu thụ một lượng lớn vải thiều so với cùng kỳ năm 2013.

Cây nho ở Ninh Thuận đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng trái vải “thoát chết” là nhờ có sự tham gia xúc tiến thương mại tích cực của các bộ - ngành, UBND các tỉnh, thành. Thành công này nếu được nhân rộng sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho nông dân nói chung và người trồng các loại trái cây xuất khẩu chủ lực Việt Nam nói riêng.

Giảm lệ thuộc vào thị trường dễ tính

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), sự bấp bênh đầu ra của các loại trái cây đặc sản ngoài nguyên nhân phát triển quá nóng diện tích trồng còn do phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ tính Trung Quốc, dẫn đến việc nông dân dễ dãi trong trồng trọt, không đầu tư, chậm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Hậu quả là chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm. Khi Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn nhập khẩu, xuất khẩu trái cây Việt Nam lập tức ách tắc. Trong khi đó, với những thị trường khác, nhà nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm phải đồng đều, đúng quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu chứng nhận về chất lượng thì Việt Nam không đáp ứng được.

“Nhà nông vẫn giữ thói quen trồng gì bán đó, chưa có ý thức xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu mà chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên rất bấp bênh. Còn doanh nghiệp, người trồng chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa với 90 triệu dân nên sự rủi ro là rất lớn” - ông Khuất Quang Hưng, đại diện Metro Cash & Carry Việt Nam, nhận định.

Không chỉ trái thanh long và vải thiều, theo Bộ NN-PTNT, hiện xuất khẩu chiếm hơn 10% tổng sản lượng trái cây của cả nước, trong đó xuất sang Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Đây là yếu tố tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Mặc dù trái cây Việt Nam đã thâm nhập những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Chile, New Zealand… nhưng khó khăn cũng gia tăng vì cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt.

“Muốn xây dựng được chuỗi giá trị cho trái cây thì phải phát triển mô hình kinh tế tập thể - HTX. Nếu để nông dân làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm thì rất khó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho trái cây. Bưởi da xanh, bưởi Tân Triều, xoài cát Hòa Lộc… là những ví dụ cụ thể” - TS Võ Mai dẫn chứng.


Có thể bạn quan tâm

Sôi Sùng Sục Cây Hồ Tiêu Sôi Sùng Sục Cây Hồ Tiêu

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.

18/07/2014
Lối Đi Nào Cho Ngành Cá Tra? Lối Đi Nào Cho Ngành Cá Tra?

Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.

05/12/2014
Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa

Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.

18/07/2014
Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.

05/12/2014
Khuyến Cáo Hàng Việt Nam Xuất Sang Mexico Khuyến Cáo Hàng Việt Nam Xuất Sang Mexico

Theo thông báo của Tổng cục Quản lý Vệ sinh, An toàn và Chất lượng Thực phẩm quốc gia (SENASICA) Mexico, kể từ ngày 29/7, hàng hóa của các nước có nguồn gốc động vật, thực vật và thủy sản, nhập khẩu vào Mexico phải tuân theo quy định mới về kiểm dịch.

18/07/2014