Vì Sao Dalat Milk Ngưng Mua Sữa Có Tỷ Lệ Nước Trên 4%?

Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) thông báo, nếu trong sữa bò mà nông dân giao cho nhà máy có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì người bán sẽ bị nhắc nhở và sau 6 lần kiểm tra mà sữa vẫn có tỷ lệ nước trên 4%, công ty sẽ ngưng nhận sữa từ nông dân nuôi bò có hợp đồng bán sữa với công ty.
Thông báo số 24/TB-DLM do ông Ngô Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Đà Lạt ký ngày 28-1 gởi các hộ dân nuôi bò sữa đang cung cấp sữa cho công ty cho biết, theo phụ lục hợp đồng mua bán sữa ngày 3-1-2015 thì mức trừ đối với trường hợp phát hiện trong sữa có nước là 8.000 đồng/kg bất kể lượng nước là bao nhiêu.
Tuy nhiên, để giảm bớt thiệt hại cho nông dân, công ty sẽ điều chỉnh mức khấu trừ. Cụ thể, nếu phát hiện trong sữa có 0,1% nước sẽ khấu trừ 200 đồng/kg, và tỷ lệ từ 4% nước trở lên sẽ nhắc nhở và sau 3 ngày (tương đương 6 lần phân tích) mà sản phẩm không được cải thiện công ty sẽ ngưng nhận sữa. Thông báo này áp dụng để tính tiền sữa từ ngày 3-1-2015.
Một hộ dân nuôi bò sữa cung cấp sữa cho Dalat Milk cho biết, dù thông báo chỉ nói nếu tỷ lệ nước từ 4% trở lên công ty sẽ ngưng nhận sữa, mà không nói rõ là công ty sẽ không mua sữa nữa, nhưng nông dân chúng tôi hiểu rằng, nếu sữa có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì không thể bán cho công ty, tức là do chúng tôi không đáp ứng được điều kiện chứ không phải do công ty không mua.
“Một người dân bình thường cũng biết trong sữa có nước nhưng không hiểu sao công ty lại ra một thông báo như vậy. Có thể việc ra thông báo này là một cách để phía Dalat Milk hợp thức hóa việc không mua sữa của chúng tôi thôi”, người này cho biết.
Một chuyên gia trong ngành sữa cho biết, trong sữa tươi, nước chiếm tỷ lệ lớn nhất và tùy theo từng giống bò mà tỷ lệ nước cao hay thấp, nhưng tỷ lệ nước trong sữa dao động từ 80 - 90%, còn lại là các loại chất đường lactose, protein, các loại chất khoáng, mỡ sữa.
Trước đó, vào đầu tháng 1-2015, phía Dalat Milk đưa quy định hạn mức cung cấp sữa là 16kg mỗi ngày đối với mỗi con bò sữa được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân. Con số này quá thấp so với sản lượng sữa mà mỗi con bò cho ra mỗi ngày. Ngay sau đó, nông dân nuôi bò sữa phản ứng bằng cách đổ sữa ở trước trạm mua của công ty này.
Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, Dalat Milk đã thu hồi lại quy định này và nay công ty lại đưa ra một thông báo mới như đã nói ở trên.
Hiện nay, đàn bò sữa ở Lâm Đồng đã đạt 10.000 con, tăng đến 50% so với một năm trước đó.
Có thể bạn quan tâm

Bác Nhân luôn được bà con trong thôn tin yêu, kính trọng, 12 năm qua, Bác được nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Lũng Tao là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đổng Xá, những năm trước đây, gia đình bác Nhân cũng như các gia đình khác còn nghèo đói, có năm gia đình thiếu ăn vài ba tháng.

Những ngày đầu tháng 1 đến nay, bà con ngư dân 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn(Thừa Thiên Huế) trúng đậm mùa ruốc. Sau mỗi ngày ra khơi, trung bình mỗi tàu khai thác trên 3 tạ ruốc.

Đối với người nuôi thủy sản tỉnh, thành công của mô hình nuôi cá chình do Công ty TNHH Hưng Biển thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2012 trên vùng cát Bảo Ninh đã giúp họ có cái nhìn mới đối với việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có việc tìm đến những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Ông Võ Văn Hưng, 61 tuổi (tổ 28, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có thâm niên 23 năm nuôi cá lóc. Năm nay mô hình nuôi cá lóc trong lưới của ông cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Về thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang), hỏi thăm đến nhà ông “vua gấc” Trần Sĩ Quảng, bà con trong thôn từ già đến trẻ nhỏ ai nấy đều cho biết, ông Quảng là một nông dân cần cù, chịu khó, làm giàu và nổi danh từ nghề trồng cây gấc.