Vi Phạm Khai Thác Thủy Sản Gia Tăng

Tình hình vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thanh tra Thủy sản cho biết, tính đến ngày 15/10, đã xử phạt 885 hành vi vi phạm khai thác - bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là giã cào bay sai tuyến, các tàu thuyền đánh bắt khai thác sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, thiếu trang bị an toàn cho tàu cá khi ra khơi, cản trở lực lượng kiểm tra… Thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 172 tàu công suất từ 350CV - 900CV hành nghề giã cào bay. Tàu giã cào bay tập trung chủ yếu ở các địa phương: Hòa Phú (Tuy Phong), Phú Hài (Phan Thiết) và thị xã La Gi. Một bộ phận trong số này thường lén lút, bất chấp quy định tiến vào khu vực gần bờ để khai thác. Hành vi này không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường đồng thời gây ra những tai nạn trên biển.
Nghề giã cào bay (cách gọi tên dân gian) được ngư dân trong tỉnh học tập kỹ thuật và đưa vào sử dụng tại địa phương khoảng 9 -10 năm trở lại đây. Ban đầu, đa số bà con ngư dân chỉ sử dụng tàu có công suất máy nhỏ hơn 90CV, áo lưới có mắt lưới 2a tại phần cánh khoảng 320mm, độ mở đứng miệng lưới khoảng từ 12 - 15m. Qua một thời gian hoạt động nghề giã cào bay đã được cải tiến và phát triển khá mạnh về ngư lưới cụ, số lượng và công suất tàu thuyền. Đa phần bà con ngư dân đều đầu tư tàu có công suất máy lớn hơn 90CV; áo lưới có kích thước mắt lưới 2a tại phần cánh từ 4.000 - 8.000mm, với độ mở đứng miệng lưới từ 15-20m để đưa vào hoạt động khai thác thủy sản. Tàu giã cào luôn đi thành cặp, sau khi thả lưới, 2 tàu sẽ chạy song song với nhau để kéo lưới. Với chiều dài của giàn lưới giã cào từ 500 -1.500m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé nằm giữa 2 tàu gần như bị quét sạch. Vào vụ cá nam ngư dân đánh bắt hải sản bằng giã cào bay hoạt động mạnh, vì đây là thời điểm cá nổi và các loại hải sản khác áp lộng. Bước sang mùa bấc khi các đàn cá di cư ra khơi, các tàu cá hành nghề giã cào bay chuyển sang các nghề khác như giã cào đáy truyền thống, vây rút chì, pha xúc…
Hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trái phép gia tăng làm cho vùng biển Bình Thuận đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian qua Thanh tra Thủy sản tăng cường các biện pháp như kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp tàu thuyền vi phạm. Đồng thời theo dõi ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại nghề khai thác kết hợp chất nổ để khai thác thủy sản như lưới mùng, lặn… UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản như giã cào bay, sử dụng chất nổ, dùng điện. Tuy nhiên với chiều dài bờ biển gần 200 km, toàn tỉnh có khoảng trên 8.000 tàu thuyền và là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước, do đó không đủ lực lượng để xử lý triệt để các vi phạm trong khai thác thủy sản. Mặt khác, hoạt động đánh bắt của ngư dân hiện nay rất đa dạng, ngư dân chủ yếu đánh cá vào ban đêm cũng gây khó khăn không ít cho việc kiểm tra.
Có thể bạn quan tâm

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra ở hầu hết các vùng trọng điểm nuôi tôm, trong đó các tỉnh khu vực ĐBSCL thiệt hại nặng nề nhất. Dịch bệnh hoại tử gan tuỵ cấp xuất hiện trên cả 2 đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Theo báo cáo của Tổng Cục thuỷ sản, diện tích tôm bệnh chiếm gần 30% diện tích tôm nuôi, chủ yếu là bệnh đốm trắng, đầu vàng và gan tuỵ cấp.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, vượt qua khó khăn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2013. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể của VASEP tổ chức ngày 12/6 tại TP Hồ Chí Minh.

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi.

Để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, phòng ngừa trường hợp các thị trường nhập khẩu sẽ tẩy chay các mặt hàng tôm Việt Nam, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, ngày 11 tháng 6 năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác ngăn chặn tình trạng bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thủy sản chứa tạp chất.

Tính đến ngày 5/6, tại các xã Ðông Minh, Ðông Hải (Tiền Hải - Thái Bình) đã có 157 hộ nuôi tôm phát hiện thấy có hiện tượng tôm chết trong ao với tổng diện tích 18,232ha, số lượng 4,165 triệu con. Tuy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.