Về Thăm Vương Quốc Cà Chua

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng tập quán trồng cà chua lâu đời, những năm trở lại đây, người dân Hải Hậu (Nam Định) đã coi cà chua là cây trồng mũi nhọn. Nhờ những cánh đồng cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, Hải Hậu đã trở thành địa phương có sản lượng cà chua đứng đầu cả nước.
Trồng cà chua lãi gấp 10 lần trồng lúa
Hiện diện tích cà chua toàn huyện Hải Hậu lên tới 500ha. Ông Đỗ Văn Trình, người trồng cà chua lâu năm ở xóm 14, xã Hải Quang cho biết: “Vài năm trở lại đây, cà chua cho lãi cao. Với giá bán cao nhất từ 3.000 – 4.500 đồng/kg; tính ra 1 sào (360m2) cho thu nhập 5 triệu đồng, chưa kể những ngày giáp Tết được giá, có nhà thu hơn 10 triệu đồng/sào”. Cũng theo ông Trình, chưa khi nào cây cà chua lại trĩu quả, giá cao như vài năm gần đây, chất lượng quả cũng luôn đảm bảo.
Sở dĩ có thành công này là nhờ bà con đã lựa chọn được những loại giống tốt. Những giống cà chua đang được ưa chuộng tại đây là Savior của Công ty Syngenta, hoặc K002 của Công ty Bioseed Thăng Long... Đây là hai giống có khả năng chịu nhiệt cao, trồng được nhiều vụ trong năm, đặc biệt nếu trồng trái vụ, hiệu quả kinh tế cũng rất khả quan. Chất lượng quả đồng đều, màu sắc chín đỏ, ít hao hụt khi vận chuyển. Hai giống này còn có khả năng kháng bệnh vàng xoắn lá vi - rút cực mạnh.
Từ những hiệu quả trên mà hiện nay rất nhiều xã tại Hải Hậu đã đưa cà chua vào cơ cấu cây trồng chính. Tại Hải Tây, sản xuất vụ đông trên đất hai lúa đã đi vào tiềm thức của nông dân. Ðiều cuốn hút mọi người chính là nguồn thu lớn từ cà chua.
Nâng chất lượng và giá trị
Hiện nay, ngành nông nghiệp Nam Định đã tập trung chỉ đạo phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị, với cơ cấu chủ yếu là các loại cây hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các cây vụ đông của Nam Ðịnh trong những năm gần đây đạt khoảng 6.500ha, chiếm 35% tổng diện tích đất canh tác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bà con đưa các cây trồng cho lợi nhuận cao vào sản xuất, đặc biệt cà chua và dưa chuột bao tử cho thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/ha”.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trên cơ sở hai vụ lúa ăn chắc, nếu tập trung phát triển cây vụ đông sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Vì vậy, tỉnh đã phát triển diện tích cà chua đông thành vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích hằng năm lên tới 1.000ha, cung cấp cho nhiều nhà máy, công ty lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong cả nước.
Theo tính toán, năng suất trung bình của cà chua đông trên đồng đất Nam Ðịnh đạt 40 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập là 80 triệu đồng/ha, trong khi chi phí khoảng 22 triệu đồng. Ngoài cà chua đông, cây bí xanh đá trong những năm gần đây cũng lên ngôi. Chi phí sản xuất thấp (tiền giống và vật tư từ 8 - 10 triệu đồng/ha), trong khi tổng giá trị thu nhập luôn đạt ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Nam Định cũng đang đầu tư phát triển mạnh nhóm cây rau, quả truyền thống để tiêu thụ trong nước với diện tích khoảng 5.000ha, gồm các cây chủ lực như khoai tây (diện tích từ 3.500 - 4.000 ha), bí xanh (1.200 - 1.300 ha). Lợi nhuận từ sản xuất hai loại cây trồng chính này rất cao, bí xanh đạt 30 - 40 triệu đồng/ha, khoai tây 20 - 30 triệu đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm

Là một xã thuần nông với trên 90% diện tích đất nông nghiệp nên việc được thụ hưởng từ chính sách “tam nông” trong những năm qua ở xã Tân Thành, TX.Ngã Bảy đều nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của người dân. Từ đó, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Tới thời điểm này, các shop trực tuyến bán hạt dưa hấu tí hon đang trở nên rất sôi động, nhộn nhịp vì nhu cầu mua tương đối lớn. Đối tượng khách hàng chủ yếu là phụ nữ, bao gồm cả các bà nội trợ lẫn nữ công chức, viên chức, nhân viên văn phòng. Giá được rao bán là khoảng 20 nghìn đồng/hạt.

Thời gian đó, tôi tranh thủ đi làm thuê việc khác. Nói đến chuyện làm mô hình cây này, cây nọ nhiều người ở đây sợ lắm rồi, xin kiếu. Hết khoai tây đến bí đỏ, cuối cùng cũng chỉ đem làm thức ăn cho gia súc.

Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, huyện Phù Ninh có diện tích đất tự nhiên là 16.723,26ha, đất đồi gò và đất vườn chiếm 62,49% (5250,8ha). Đất đai ở đây phần lớn là đồi thấp chủ yếu được trồng bạch đàn. Tuy nhiên, sau một vài chu kỳ sản xuất bạch đàn, đất đai trở nên cằn cỗi, khó có thể canh tác các loại cây trồng khác.

Đối với các loại bệnh bắt buộc phải tiêm phòng gồm: Tiêm phòng vác xin cúm gia cầm được triển khai tại 38 xã, thị trấn (16 xã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A, 5 xã nguy cơ cao với bệnh cúm gia cầm H5N6), thuộc các huyện: Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Phù Ninh, Yên Lập, Lâm Thao và 17 xã thuộc huyện Tân Sơn.