Về Rốn Lũ Săn Cá Đồng

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười là một địa điểm thú vị không những thu hút cư dân bản địa mà đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai có ý định săn đặc sản đồng quê vào mùa nước ở Đồng Tháp.
Chợ Trường Xuân có vị trí khá thuận lợi, ở nơi giao nhau giữa đường ĐT 844 và ĐT 845, là nút giao thông đường thủy tập hợp bởi 4 con kênh gồm kênh Phước Xuyên, kênh Dương Văn Dương (đi Long An), kinh Tư Mới (đi Tiền Giang) và kinh Long An (đi Tam Nông).
Nằm ở vùng “rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười có nhiều tôm cá nên từ lâu nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho dân đánh bắt cá và thu mua cá đồng từ khắp nơi về mưu sinh, nhất là vào mùa nước nổi.
Chợ cá đồng Trường Xuân hoạt động kinh doanh quanh năm nhưng thời điểm sôi động nhất là khi mùa lũ tràn về. Điểm đặc biệt của chợ cá Trường Xuân khi mùa lũ về là chợ nhóm hợp cả ngày lẫn đêm, buổi tối bắt đầu từ 1 giờ khuya đến khoảng 7 giờ sáng rồi thưa dần, sau đó đến khoảng 2 giờ chiều chợ nhóm lại và nhộn nhịp đến 6 giờ tối.
Chợ nhóm khuya chủ yếu là mua bán mặt hàng cá linh. Cá linh được ngư dân chuyển đến các vựa cá, rồi sau đó các chủ vựa chuyển lên xe tải đến các chợ đầu mối phân phối cho bạn hàng kịp buổi chợ sáng. Riêng các loại cá khác thì được thu mua lúc chợ chiều.
Chợ cá đồng Trường Xuân không những nổi tiếng về sự đa dạng chủng loại, mà sản lượng cũng thuộc dạng “khủng” khó chợ nào ở miền Tây sánh kịp. Trung bình khoảng 30 vựa cá lớn nhỏ của chợ Trường Xuân có thể xuất bán 5 – 6 tấn cá, tôm các loại/ngày.
Nhờ tập trung được sản lượng lớn nên so với nhiều chợ khác thì giá cá, tôm, cua đồng ở chợ Trường Xuân khá mềm. Vì vậy, chợ cá đồng Trường Xuân đã thu hút được thương lái từ nhiều địa bàn đến hoạt động mua bán, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm gần đây, nhờ có các máy ôxi mà cá của vùng Đồng Tháp Mười không những được vận chuyển đến các tỉnh lân cận trong khu vực mà ngay cả TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... cá đồng miền Tây tươi ngon cũng có mặt.
Ngoài nổi tiếng với các đặc sản cá đồng tươi ngon như cá: lóc, trê, rô, sặc, trèn, cá linh, cá heo, cá chạch... thì chợ Trường Xuân còn là địa điểm tập kết của các loại đặc sản đồng quê mùa nước nổi như: chuột, rắn, ếch, cua đồng...
Trung bình 1 ngày chợ xuất đi trên 1 tấn cua đồng các loại đến các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... Năm nay, giá cua đồng cũng tương đối cao so với năm trước, trung bình từ 9 - 10 ngàn đồng/kg. Vì vậy, thu nhập của bà con ngư dân tăng thêm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bà con, năm nay lũ về không lớn như mọi năm nên sản lượng cá cũng giảm hẳn. Anh Huỳnh Văn Lớn ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tâm sự: “Năm nay, nước không lớn nên cá cũng ít. Nhưng bù lại, giá cá năm nay cao hơn mọi năm nên cũng kiếm sống được”.
Ngư dân ở đây không chỉ là người dân bản địa mà là sự hòa hợp của cư dân từ nhiều tỉnh đến nơi này hoạt động khai thác đánh bắt cá.
Nhằm tạo điều kiện giúp bà con ngư cụ, ghe xuồng đánh bắt mưu sinh trong mùa lũ, các chủ vựa cá nơi đây đã cho bà con làm nghề câu lưới mượn vốn không tính lãi để mua sắm ngư cụ. Tùy theo nhu cầu của các hộ làm nghề câu lưới mà các chủ vựa cho mượn từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, sau đó sẽ trừ dần vào tiền bán cá cho các chủ vựa.
Anh Nguyễn Hùng Cường - chủ vựa cá tại chợ cá Trường Xuân cho biết: “Việc hỗ trợ không những giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển nghề mà nó còn là hoạt động giúp cho cả đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi đầu tư cho những hộ dân có uy tín để có nguồn hàng ổn định”.
Có thể bạn quan tâm

Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, thoát khỏi sự gò bó, hạn hẹp của kinh tế hộ nhỏ lẻ, hình thành mô hình sản xuất theo hướng trang trại, vận hành theo cơ chế thị trường. Kinh tế trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, kinh tế trang trại ở tỉnh ta hiện phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, với đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất trên các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, như trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trang trại thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại theo mô hình VAC.

Từ con cá và những ruộng rau cần, người dân xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã trở nên khá giả, đời sống sung túc. Nhiều cánh đồng đạt mức thu 300 triệu đồng/ha/năm. Chủ trương hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại đây tiếp tục mở ra cơ hội mới cho nông dân xã Hoàng Lương đẩy mạnh thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Gần 10 năm qua, đời sống của người dân thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đang ngày một khấm khá hơn từ nghề trồng hoa lay ơn. Thôn Riễu từ lâu đã có nghề trồng hoa cung cấp cho TP Bắc Giang, các huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Những năm trước khi chưa có cây hoa lay ơn, người dân chỉ trồng lúa, rau màu và một số loài hoa như cúc, violet nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có một số hộ trong thôn đem giống hoa lay ơn về trồng thì diện tích trồng hoa ngày càng được mở rộng.

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

Ngày 19.11, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh tình trạng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Tại Quảng Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực này cũng khá phổ biến, khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng.