Về Rốn Lũ Săn Cá Đồng

Nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười trù phú, nổi tiếng xa gần với các đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười là một địa điểm thú vị không những thu hút cư dân bản địa mà đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với những ai có ý định săn đặc sản đồng quê vào mùa nước ở Đồng Tháp.
Chợ Trường Xuân có vị trí khá thuận lợi, ở nơi giao nhau giữa đường ĐT 844 và ĐT 845, là nút giao thông đường thủy tập hợp bởi 4 con kênh gồm kênh Phước Xuyên, kênh Dương Văn Dương (đi Long An), kinh Tư Mới (đi Tiền Giang) và kinh Long An (đi Tam Nông).
Nằm ở vùng “rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười có nhiều tôm cá nên từ lâu nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho dân đánh bắt cá và thu mua cá đồng từ khắp nơi về mưu sinh, nhất là vào mùa nước nổi.
Chợ cá đồng Trường Xuân hoạt động kinh doanh quanh năm nhưng thời điểm sôi động nhất là khi mùa lũ tràn về. Điểm đặc biệt của chợ cá Trường Xuân khi mùa lũ về là chợ nhóm hợp cả ngày lẫn đêm, buổi tối bắt đầu từ 1 giờ khuya đến khoảng 7 giờ sáng rồi thưa dần, sau đó đến khoảng 2 giờ chiều chợ nhóm lại và nhộn nhịp đến 6 giờ tối.
Chợ nhóm khuya chủ yếu là mua bán mặt hàng cá linh. Cá linh được ngư dân chuyển đến các vựa cá, rồi sau đó các chủ vựa chuyển lên xe tải đến các chợ đầu mối phân phối cho bạn hàng kịp buổi chợ sáng. Riêng các loại cá khác thì được thu mua lúc chợ chiều.
Chợ cá đồng Trường Xuân không những nổi tiếng về sự đa dạng chủng loại, mà sản lượng cũng thuộc dạng “khủng” khó chợ nào ở miền Tây sánh kịp. Trung bình khoảng 30 vựa cá lớn nhỏ của chợ Trường Xuân có thể xuất bán 5 – 6 tấn cá, tôm các loại/ngày.
Nhờ tập trung được sản lượng lớn nên so với nhiều chợ khác thì giá cá, tôm, cua đồng ở chợ Trường Xuân khá mềm. Vì vậy, chợ cá đồng Trường Xuân đã thu hút được thương lái từ nhiều địa bàn đến hoạt động mua bán, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm gần đây, nhờ có các máy ôxi mà cá của vùng Đồng Tháp Mười không những được vận chuyển đến các tỉnh lân cận trong khu vực mà ngay cả TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... cá đồng miền Tây tươi ngon cũng có mặt.
Ngoài nổi tiếng với các đặc sản cá đồng tươi ngon như cá: lóc, trê, rô, sặc, trèn, cá linh, cá heo, cá chạch... thì chợ Trường Xuân còn là địa điểm tập kết của các loại đặc sản đồng quê mùa nước nổi như: chuột, rắn, ếch, cua đồng...
Trung bình 1 ngày chợ xuất đi trên 1 tấn cua đồng các loại đến các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh... Năm nay, giá cua đồng cũng tương đối cao so với năm trước, trung bình từ 9 - 10 ngàn đồng/kg. Vì vậy, thu nhập của bà con ngư dân tăng thêm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bà con, năm nay lũ về không lớn như mọi năm nên sản lượng cá cũng giảm hẳn. Anh Huỳnh Văn Lớn ngụ xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tâm sự: “Năm nay, nước không lớn nên cá cũng ít. Nhưng bù lại, giá cá năm nay cao hơn mọi năm nên cũng kiếm sống được”.
Ngư dân ở đây không chỉ là người dân bản địa mà là sự hòa hợp của cư dân từ nhiều tỉnh đến nơi này hoạt động khai thác đánh bắt cá.
Nhằm tạo điều kiện giúp bà con ngư cụ, ghe xuồng đánh bắt mưu sinh trong mùa lũ, các chủ vựa cá nơi đây đã cho bà con làm nghề câu lưới mượn vốn không tính lãi để mua sắm ngư cụ. Tùy theo nhu cầu của các hộ làm nghề câu lưới mà các chủ vựa cho mượn từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, sau đó sẽ trừ dần vào tiền bán cá cho các chủ vựa.
Anh Nguyễn Hùng Cường - chủ vựa cá tại chợ cá Trường Xuân cho biết: “Việc hỗ trợ không những giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển nghề mà nó còn là hoạt động giúp cho cả đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi đầu tư cho những hộ dân có uy tín để có nguồn hàng ổn định”.
Có thể bạn quan tâm

Như vậy, Tổng lượng cá tra đã xuất từ đầu năm đến nay sang 133 quốc gia và vùng lãnh thổ được nâng lên 377.000 tấn, trị giá 1,132 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 3,2%. Trong đó, Mỹ, các nước EU, ASEAN tiêu thụ 59% lượng cá tra.

Rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành thú y nhưng chị Phạm Thị Hậu, 31 tuổi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ - Thái Nguyên) không xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn hay cơ quan Nhà nước mà lại đam mê công việc của một khuyến nông viên. Bởi chị tâm niệm, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, ổn định đã là một niềm hạnh phúc...

Năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh xây dựng mô hình nuôi cá lúa trên diện tích 4 ha với 12 hộ tham gia. Đầu tháng 7/2012, Trung tâm chuyển 112.000 con cá rô đồng, 24.000 con rô phi, 8500 con cá mè, 25.500 con cá chép VI giống cho các hộ nuôi. Cá giống khỏe mạnh đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: Hiện nay toàn xã có hơn 500 hộ thực hiện mô hình nuôi cá lóc theo nhiều dạng như: 2 lúa 1 cá, hoặc nuôi trong mùng lưới và trong ao đem lại hiệu quả bình quân từ 50-100 triệu đồng/năm.

Năm 2011, ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) còn 15 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ do phụ nữ làm chủ hộ; đến nay đã có 5 hộ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ vốn gắn với chuyển giao kỹ thuật nuôi chim cút do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động, điển hình là hai chị Bùi Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thùy Dung.