Vất vả nghề nuôi ong lấy mật
Anh Hoá chăm sóc ong tại điểm đặt ở xã Bàu Đồn.
Ong nuôi cho năng suất mật cao, bán được giá, nhiều hộ nhờ đó mà thoát nghèo, thậm chí làm giàu.
Nhưng để đến được với nghề, người nuôi ong phải trải qua một quá trình học hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm. Đồng thời, muốn thu được năng suất mật như ý muốn, người nuôi phải tiêu tốn rất nhiều thời gian để theo ong tìm mật.
Trước những năm 2000, muốn làm nghề nuôi ong thì phải “tầm sư học đạo”. Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hoá, người quê gốc Hà Tĩnh, hiện đang định cư tại xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai. Năm 1996, anh đã bắt đầu tìm học nghề nuôi ong khắp nơi- từ miền núi xuống đồng bằng, đến năm 2003 mới chính thức gầy được đàn ong riêng cho mình.
Hiện nay anh Hoá đã gây dựng được 950 thùng ong nuôi (mỗi thùng thường có kích thước bên trong là 47cm x 43cm x 25cm, một thùng chứa được 10 khung cầu để ong làm tổ). Trong đó có 500 thùng đặt ở tổ 7, ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu và 450 thùng ở ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành.
Những thùng ong này mới được chuyển từ miền Trung vào đây gần một tháng nay. Thường thì chỉ sau từ ba đến bốn tháng, anh Hoá phải chuyển thùng ong đến vùng hoa mới.
Bởi ong nuôi, bên cạnh việc cho ăn giặm thêm nguồn thức ăn nhân tạo (hỗn hợp nước, đường hoặc xi rô đường, phấn hoa nhân tạo, bột đậu nành), còn phải tìm vùng có hoa để ong hút mật thì sản phẩm mới có chất lượng.
Anh Hoá cho biết: “Cuộc sống cứ rày đây mai đó theo con ong, hoa nở nhiều ở vùng nào thì chuyển thùng ong đến vùng đó. Các tỉnh trên cả nước tôi đều đã đặt chân đến, một năm trời ở nhà với vợ con chỉ được khoảng 30 ngày.
Nghề này một khi đã đam mê, yêu thích thì khó bỏ lắm”. Dân nuôi ong số lượng lớn thường chọn những vùng có nhiều hoa, trong đó các hoa ưu tiên được chọn là hoa vải, nhãn, cà phê, trà, tràm và cao su. Bởi những loài cây cho hoa này thường được trồng với diện tích lớn, rất phù hợp với mô hình nuôi ong công nghiệp.
Anh Lưu Đức Trung- một người có thâm niên 15 năm trong nghề nuôi ong, quê ở xã Đông Huy, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, cũng vì mê theo con ong mà vào định cư luôn ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Gia đình anh có ba anh em đều theo nghề nuôi ong, hiện đã gây dựng được 2.000 thùng ong mật, mỗi người một phương đi tìm mùa hoa nở để đặt ong. Hai người em- một người đang đặt ong ở miền Trung, người còn lại đang ở miền Tây, còn anh Trung đang đặt 800 thùng ong ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Với giá mật giao động từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg như hiện nay, 2.000 thùng ong của gia đình anh Trung cho thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Sản phẩm được các công ty chuyên kinh doanh lĩnh vực này đến tận nơi thu mua.
Tuy nhiên, theo anh Lưu Đức Trung: “Cực lắm, người nuôi phải theo dõi và chăm sóc ong hằng ngày. Hơn nữa, địa điểm mà con ong thích nghi để tìm mật toàn những nơi không điện nước, phải dựng lều tạm để ở, rất thiếu thốn tiện nghi.
Xứ lạ quê người sợ nhất là chuyện bệnh đau. Có chỗ còn bị người dân xua đuổi vì cho rằng con ong phá hoại mùa màng, nhưng thật ra con ong thụ phấn cho hoa kết trái nhiều hơn.
Cũng có vùng người ta biết loài côn trùng này có lợi, họ cho đặt ong, nhưng lại đòi trả tiền mặt bằng, đôi khi mình đành chịu vậy”.
Nuôi ong mật di động theo mùa hoa có lúc cũng bị thua lỗ. Nguyên nhân chính là do chủ ong không biết bà con đã phun thuốc cho cây trồng có hoa, trong đó có thuốc trừ sâu, rầy. Khi đưa ong đến đặt nhằm phải lúc mới phun thuốc, xem như người nuôi tự “giết” đàn ong của mình.
Có thể bạn quan tâm

Khánh Hòa là địa phương được chọn thí điểm đóng tàu cá vỏ thép sau huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp đó sẽ đến các tỉnh Phú Yên, Bình Định rồi nhân rộng trên cả nước. Việc thay tàu gỗ thành tàu vỏ thép nhằm giúp ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo.

Giá thức ăn chăn nuôi trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ ổn định nhờ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tận dụng cơ hội giá bắp xuống thấp để nhập về một khối lượng lớn trong mấy tháng qua, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi le le bán hoang dã để lấy thịt và cho sinh sản. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gián tiếp bảo tồn loài chim đang khan hiếm…

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.