Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vải xuất đi Australia giảm cạnh tranh vì đắt đỏ và bảo quản kém

Vải xuất đi Australia giảm cạnh tranh vì đắt đỏ và bảo quản kém
Ngày đăng: 15/07/2015

Được giá nhưng rớt dần

Trong mùa đầu tiên, có 9 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu vải sang Austrlaia. Vải thiều Việt Nam được bán với giá 21-22 AUD/kg (khoảng 340.000-360.000 đồng) trong tuần đầu tiên và giảm xuống 15-16 AUD/kg (khoảng 240.000-260.000 đồng) vào các tuần tiếp theo khi lượng hàng trong nước được chuyển sang nhiều.

Vải Việt Nam đa phần đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Australia về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong năm đầu tiên, vải Việt Nam gặp hai khó khăn chính là giá và chất lượng.

Cụ thể, giá vải Việt Nam cao hơn vải của Australia, Thái Lan và Trung Quốc do khu vực trồng vải xuất khẩu nằm ở phía Bắc trong khi cơ sở đóng gói và chiếu xạ được công nhận nằm ở phía Nam làm tăng chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, giá chiếu xạ và vận chuyển bằng hàng không của Việt Nam cao hơn so với các nước đối thủ cạnh tranh; khâu thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển chưa chuẩn, do vậy hầu hết các lô hàng đều vướng kiểm dịch tại Australia. Nhiều lô hàng bị giữ lại vài ngày để xử lý dẫn đến chi phí lưu kho, lưu bãi, kiểm dịch bị đội lên.

Về chất lượng, bảo quản vẫn là điểm yếu nhất của vải Việt Nam. Một số lô hàng sang tới Australia bị hỏng rất nhiều và phải bán dưới giá thành để thu hồi vốn.

Một số lô hàng khác bị kiểm dịch giữ lại với lỗi không đáng có như có sâu to, dính quả non, cuống chưa được cắt sát và sót lại lá cây. Khi bị phát hiện, toàn bộ lô hàng sẽ bị dỡ ra và doanh nghiệp phải xử lý lại dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, nhân công, lỡ ngày chợ đầu mối, chất lượng giảm và không bán được giá cao.

Sớm khắc phục điểm yếu

Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo, để có chỗ đứng trên thị trường Australia, Việt Nam phải khắc phục được các điểm yếu này.

Cụ thể, Việt Nam cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngành Hàng không Việt Nam cũng cần có chính sách giảm cước vận chuyển hoặc doanh nghiệp phải tính phương án vận chuyển bằng đường biển để giảm chi phí.

Đối với cơ quan chức năng, việc cần làm là hướng dẫn nông dân tuân thủ các quy định của các nhà nhập khẩu (ví dụ như cắt sát, kiểm tra từng quả để phát hiện sâu trước khi đóng thùng, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trước khi thu hái…).

Dễ thấy, không có cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc khiến vải thu hoạch phải vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ là một trong những nguyên do quan trọng khiến vải Việt xuất khẩu bị đội giá.

Đánh giá được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp, triển khai đầu tư, nâng cấp cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc - Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Tổng nguồn vốn để mua sắm thiết bị, nâng cấp nguồn, dây chuyền và sửa chữa, xây dựng cho khu chiếu xạ này khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay, phần thiết bị đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu 9 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa kho.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa bố trí kinh phí cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xây dựng, sửa chữa kho lạnh nên việc triển khai trên thực tế đang bị đánh giá là chậm.

Tại buổi kiểm tra Trung tâm Chiếu xạ mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ bàn bạc, giải quyết sớm nguồn vốn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà còn nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.

Dự kiến, khi Trung tâm chiếu xạ tại miền Bắc được đưa vào vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường “khó tính” như Australia, Mỹ...


Có thể bạn quan tâm

Bao Giờ Bao Giờ "Tự Lo" Được Thức Ăn Thủy Sản?

Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS), chưa kể diện tích NTTS trên biển; trong đó có trên 660.000 ha nuôi tôm nước lợ và trên 5.000 ha nuôi cá tra. Thức ăn cho 2 đối tượng nuôi nói trên 100% phải sử dụng thức ăn công nghiệp.

11/06/2014
Đã Có Gạo Hoa Lúa Chất Lượng Cao Đã Có Gạo Hoa Lúa Chất Lượng Cao

Ở vụ lúa ĐX vừa qua Cty TNHH - TM Gạo Hoa Lúa (TP.HCM) đã chính thức ra mắt khách hàng hai sản phẩm gạo được sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng cao GlobalGAP.

11/06/2014
Hướng Tới Sản Xuất Cá Tra Bền Vững Hướng Tới Sản Xuất Cá Tra Bền Vững

Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm.

11/06/2014
16 Nghìn Tỷ Đồng Hỗ Trợ Các Lực Lượng Chấp Pháp Và Ngư Dân 16 Nghìn Tỷ Đồng Hỗ Trợ Các Lực Lượng Chấp Pháp Và Ngư Dân

Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay Ngân hàng Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chi Chương trình 135…

11/06/2014
Hội Chợ Giao Dịch Xuất Nhập Khẩu Côn Minh Lần Thứ 22 Hội Chợ Giao Dịch Xuất Nhập Khẩu Côn Minh Lần Thứ 22

Đây là hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế thường niên lớn nhất khu vực Tây nam Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho DN các nước trong khu vực có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận thị trường lớn tại Trung Quốc, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

11/06/2014