Vải Thiều Việt Nam Chuẩn Bị Vào Thị Trường Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Chính phủ Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để sớm đưa trái vải Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.
Cơ hội cho trái vải
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết mùa vụ năm 2014, sản lượng vải thiều tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương ước đạt gần 200 nghìn tấn quả tươi. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu vải thiều truyền thống lớn nhất của Việt Nam.
Việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro nhất định cho nền kinh tế nói chung và cho nông dân nói riêng. Do vậy, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xúc tiến xuất khẩu trái vải thiều sang nước thứ ba là hết sức cần thiết. Với nhu cầu khá lớn về hoa quả tươi, Australia là một trong những thị trường trong mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam
Mặc dù có nhu cầu lớn nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, Australia là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Đến nay, Australia chưa chấp nhận cho nhập khẩu bất cứ một loại trái cây tươi nào của Việt Nam mà mới chuẩn bị thí điểm cho nhập khẩu trái vải.
Để thúc đẩy xuất khẩu trái vải tươi vào thị trường này, trong nhiều năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm làm việc với Bộ Nông, Lâm và Thủy sản Australia để tiến hành dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật đối với trái vải tươi của Việt Nam sang thị trường này.
Theo quy định của phía Australia, trước khi cho phép nhập khẩu, phía Việt Nam phải tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng vải, cơ sở đóng gói, cũng như làm việc với các đơn vị quản lý tại địa phương về các nội dung liên quan đến quản lý dịch hại tại vườn trồng và tiềm năng xuất khẩu sản phẩm.
Đến nay, Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường này. Dự kiến, đến mùa vải thiều năm 2015, trái vải Việt Nam sẽ được phép chính thức xuất khẩu vào thị trường Australia. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia không những giúp đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm vải thiều, giúp nông dân tránh tình trạng “được mùa mất giá” mà còn mở ra cơ hội cho một số loại trái cây khác của Việt Nam như thanh long, nhãn, xoài… được xuất khẩu sang thị trường này
Hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp
Để góp phần vào việc đưa trái vải nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Australia ngay sau khi được Chính phủ Australia cấp phép, bà Nguyễn Hoàng Thúy – Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Thương vụ đang xây dựng Đề án “Nghiên cứu và tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu trái vải Việt Nam sang thị trường Australia” nhằm nghiên cứu tình hình sản xuất và tiêu thụ trái vải của thị trường Australia, nghiên cứu các quy định về kiểm dịch đối với trái vải, kênh phân phối cũng như thị hiếu tiêu dùng để từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu trái vải sang thị trường Australia
Đề án sẽ tập trung vào các hoạt động chính như nghiên cứu về tình hình sản xuất, tiêu thụ trái vải của Australia và các quy định về kiểm dịch đối với sản phẩm xuất khẩu vào Australia. Bên cạnh đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về trái vải của Việt Nam.
Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương có liên quan xây dựng một bộ thông tin chuẩn về trái vải Việt Nam, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia để quảng bá
Để tận dụng tốt nhất vai trò của lực lượng người Việt Nam tại Australia để làm “cầu nối” cho trái vải, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ phối hợp với Hội doanh nhân Việt kiều Australia tổ chức hội thảo với nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm trước mắt vận động các doanh nghiệp Việt kiều đưa trái vải Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống chợ do người Việt và người Á Đông tại Australia làm chủ, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia nói chung.
Về lâu dài, Thương vụ sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp trong nước sang để kết nối giao thương ngay sau khi Australia cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam…
Với những hoạt động này, trái vải Việt Nam đang có khả năng lớn có mặt tại một trong những thị trường không quá lớn nhưng có sức mua tốt nhất thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi vịt đẻ giống an toàn sinh học (ATSH) và an ninh sinh học tại lò ấp, đã giúp chị Đoàn Thị Ngọc Bích ở Phường Tân Lộc, Quận Thốt nốt, thành phố Cần Thơ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.

Qua những nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, nhà vườn; năm 2013, bệnh chổi rồng được khống chế, tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh chổi rồng có xu hướng nhiễm trở lại, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện có trên 2.300 ha nhãn thì đã có 440 ha bị nhiễm bệnh làm bà con cũng rất lo lắng.