Ứng Dụng Thành Công Kỹ Thuật Thụ Tinh Nhân Tạo Giống Trâu Murrah

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đàn trâu của tỉnh, hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện thí điểm thành công việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah. Kết quả đã tạo ra đàn nghé lai Murrah có trọng lượng lớn hơn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Hà Tĩnh phát triển với tốc độ khá nhanh. Đặc biệt chăn nuôi trâu, bò thịt đang được quan tâm và được xác định là một trong những chương trình phát triển trọng điểm của ngành nông nghiệp. Mặc dầu chăn nuôi trâu là một nghề vốn đã có từ lâu trong đời sống nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhưng vẫn còn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, người nuôi chưa chú trọng nhiều đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nên hiệu quả mang lại từ nghề chăn nuôi trâu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương tỉnh nhà.
Từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh tiến hành thực hiện thí điểm kỹ thuật phối tinh nhân tạo bằng tinh trâu đực Murrah của Ấn Độ. Đây là giống trâu khỏe, trọng lượng lớn, sức bền cao... Tuy nhiên, khả năng chịu kham khổ, chịu rét cũng như độ thuần không bằng trâu nội. Chính vì thế, việc sử dụng tinh trâu đực Murrah lai với con cái nội sẽ giúp có được một giống trâu lai có đầy đủ các ưu điểm của cả bố và mẹ. Để thực hiện thành công, trước khi triển khai Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ đi học truyền tinh nhân tạo trâu tại Trung tâm Phát triển chăn nuôi miền núi thuộc Viện chăn nuôi Quốc gia. Ban đầu phối dẫn được 180 con trâu cái nội bằng tinh trâu đực Murrah của Ấn Độ tại các địa phương. Kết quả đã có 80 nghé lai Murrah được sinh ra có trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường chăn nuôi tại địa phương, có khả năng tăng khối lượng từ 10 -15% so với trâu nội, chất lượng thịt cũng cao hơn, nuôi 8 - 12 tháng đạt 180 - 200 kg.
Ông Vương Khả Quy - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết, theo khảo sát những năm gần đây, số lượng đàn trâu ở Hà Tĩnh có chiều hướng giảm; chất lượng đàn như cân nặng, tầm vóc cũng giảm từ 10 - 15% so với trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đàn trâu bị giảm sút cả về số lượng và chất lượng, trong đó nguyên nhân chính là do công tác chọn giống cho trâu ở các địa phương chưa được chú trọng. Tình trạng đồng huyết, cận huyết còn xảy ra phổ biến do việc nhân giống tự nhiên trong cùng một vùng. Vì vậy giải pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện hiện nay của tỉnh nhà.
Nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đang phối hợp với huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, thị xã Hồng Lĩnh thực hiện phối giống trâu lai Murrah với quy mô lớn hơn, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời theo dõi chặt chẽ khả năng sinh trưởng phát triển của trâu và nghé để có cơ sở biên soạn quy trình nuôi trâu lai Murrah phù hợp với Hà Tĩnh.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 5/3, đại diện cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, chỉ tính những ngày cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ cháy mía lớn với diện tích gần 35ha, gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho bà con nông dân nơi đây

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thẩm định, đồng ý cho thực hiện dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao đất”, do kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện từ tháng 3-2013 đến 3-2014.

Với diện tích gần 8.000m2 đất lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Song (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nên lợi nhuận mang lại khá cao, đời sống gia đình luôn đủ ăn, khấm khá dần lên.

Trước thông tin tăng giá sữa của nhiều DN sữa hiện nay, nhiều nông dân vùng nguyên liệu sữa Mộc Châu (Sơn La) cho biết, giá sữa thu mua không thay đổi.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Thanh Thảo, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn trở về địa phương gặp không ít khó khăn. Lúc đầu anh phải đi chạy xe khách để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng những dự tính về phát triển kinh tế gia đình luôn thôi thúc nên anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại. Đối tượng anh lựa chọn là ba ba thương phẩm để đón đầu những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.