Ứng Dụng Kiến Thức Vào Chăn Nuôi Gà Sinh Học

Ấp Phú Long Phụng B - xã Phú Khánh (Thạnh Phú - Bến Tre) là một trong những địa phương còn nhiều hộ nghèo, do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, chưa có nghề nghiệp ổn định.
Anh Nguyễn Văn Phước là hội viên Hội Nông dân xã. Gia đình anh có 5 nhân khẩu nhưng chỉ canh tác 2.700m2 đất vườn dừa. Trong đó, ngoài mẹ già 88 tuổi, anh chị có hai con đang học đại học ở Cần Thơ, cuộc sống khó khăn.
Năm 2010, ngoài canh tác đất vườn, anh chị phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nhưng cũng ít có việc làm thường xuyên. Vợ chồng anh Phước suy nghĩ và nảy sinh ý định đăng ký tham gia học nghề. Khi xã phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình anh được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, vốn giải quyết việc làm. Song song đó, anh Phước còn được tham quan các mô hình chăn nuôi của nhiều địa phương khác, nhất là được tham gia lớp học nuôi gà sinh học theo Quyết định 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Sau khi học xong lớp học nghề, có vốn, anh quyết định nuôi gà sinh học. Lúc đầu, anh chỉ thử nghiệm nuôi 400 con, tỷ lệ hao hụt rất thấp (dưới 5%), do học được kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh. Kết quả bước đầu rất khả quan, cứ nuôi 100 con gà giống, khi thu hoạch trừ chi phí còn lãi 3 triệu đồng. Anh tiếp tục chia vườn thành hai khu nuôi riêng biệt để nuôi khoảng 800 con gà.
Còn lại một khu dùng nuôi dưỡng gà con. Kết quả, tỷ lệ hao hụt 5%, còn lại 760 con, trung bình mỗi con gà đạt trọng lượng 1,5kg, tổng trọng lượng 1.140kg, giá bán 60.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi 24 triệu đồng. Mỗi năm thu hoạch 6 đợt, với tổng số tiền lãi 144 triệu đồng. Nhờ đó, trong năm 2011 gia đình anh đã thoát nghèo.
Với kết quả phấn khởi, anh đã mạnh dạn phát triển thêm đàn gà. Cuối năm 2012, anh tiếp tục xuất bán 1.500kg gà thịt, giá bán 100.000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Ngoài nuôi gà, anh còn tận dụng nguồn phân để nuôi cá, mỗi năm có thêm khoảng 4 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Phước cho biết, nhờ học kỹ thuật, nuôi gà sinh học mà năm 2012 anh được Hội Nông dân xã bình xét là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, hiện gia đình anh đã thoát nghèo một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Qua khảo sát, hiện nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) đã lên khuôn tạo hình bưởi hồ lô với khoảng 15.000 trái để bán trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Mất mùa, rớt giá đã làm nhiều người dân ở thủ phủ thanh long Bình Thuận lao đao

Ngày 19-11, UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ cam sành sạch VietGAP giữa Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Hà Nội) với Ban quản lý Xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên.

Hội đồng KH & CN huyện Châu Thành (Hậu Giang) vừa thông qua đề tài “Tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng chanh lá đứng và đề xuất biện pháp phòng chống” do thạc sĩ Trần Hồng Đức, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, làm chủ nhiệm.

Thời gian gần đây, tại các vùng nông thôn ở Long An xuất hiện một số người mang giống gà lạ về bán cho bà con nuôi thử