Ùn Tắc Nông Sản Bài Học Đến Hẹn Lại Lên

Mỗi năm vào vụ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) thường xuyên xảy ra ùn tắc xe chở nông sản. Năm nay do các tỉnh phía Nam được mùa dưa nên lượng hàng nông sản đổ về cửa khẩu tăng đột biến khiến các lực lượng chức năng phải dồn sức giải tỏa ùn tắc.
Mỗi ngày chỉ có khoảng hơn 300 xe xuất được hàng trong khi đó xe dồn về cửa khẩu khoảng 500 xe mỗi ngày
So với mọi năm lượng dưa hấu xuất khẩu đổ về Cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân là do các tỉnh phía nam được mùa dưa, thu hoạch rộ. Tính trung bình mỗi ngày có trên 500 xe dưa dồn về cửa khẩu. Thế nhưng lượng hàng xuất, chỉ đạt khoảng 300 xe mỗi ngày, cộng với hàng hóa nông sản khác khoảng 100 xe khiến cho bến bãi Cửa khẩu Tân Thanh lúc nào cũng quá tải.
Nhìn những xe dưa hấu ùn ứ dồn về cửa khẩu dài hàng chục km, những chủ hàng, lái xe đội mưa chạy đôn chạy đáo tìm chỗ đỗ, làm thủ tục ai cũng ái ngại cho một mùa dưa người nông dân vất vả mà nguy cơ lỗ do xuất chậm mỗi lúc một tăng.
Khu vực ngoài cửa khẩu, lượng xe dưa, xe hàng mỗi lúc một nhiều khiến cho lực lượng làm trật tự phải vất vả lắm mới ổn định được luồng tuyến, chống ùn tắc. Quyết tâm của các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu là tạo điều kiện cao nhất cho hàng hóa thông quan an toàn.
Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh, Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết, Trạm và các lực lượng tại đây đã trao đổi với phía nước bạn tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Thế nhưng do kho bãi hạn chế, phía nước bạn chỉ đáp ứng được khoảng 300 xe mỗi ngày.
Trong khi đó lượng hàng xuất lớn nên trung bình mỗi ngày dồn ứ hơn 100 xe. Vận dụng mọi biện pháp cũng chỉ nâng lên được 320 xe xuất. Như vậy đã hơn bình thường 20 xe nhưng mức độ chống ùn tắc chưa được cải thiện là bao.
Hiện nay một trong những điều khó khăn là bến bãi hàng hóa, mặc dù đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng kho bãi chưa đáp ứng được. Vì vậy khi xảy ra ùn tắc lượng xe dồn về ngày một đông càng gây tình trạng ùn tắc hơn.
Theo ông Chu Bá Toàn, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh, kho bãi không đáp ứng được nên dẫn đến ùn tắc, mặc dù lực lượng Hải quan đã vận dụng tối đa thậm chí làm việc đến tận 10 giờ đêm để các doanh nghiệp làm thủ tục. Phía ngoài cửa khẩu, lực lượng Cảnh sát giao thông phải huy động 100% quân số, trực tiếp phân luồng, dồn từng đoạn, khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ồ ạt dồn lên cửa khẩu.
Thế nhưng họ đã lỡ thu mua, lỡ chở ra, quay về càng lỗ nên đành phải chen chân lên cửa khẩu. Để chống ách tắc, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Bộ đội Biên phòng phải phân luồng vào cửa khẩu, ưu tiên xe nông sản. Thế nhưng lượng dưa xuất khẩu qua cửa khẩu vẫn chưa được như mong muốn.
Anh Huỳnh Văn Nghĩa, lái xe 75C - 2143 tâm sự, năm nay xe nhiều, dưa được giá, tầm 7 đến 10 nghìn 1 kg nên bà con thi nhau thu gom, xuất bán sang Trung Quốc. Thế nhưng, tắc thế này rất nhiều chủ hàng có nguy cơ lỗ. Phía nước bạn nhập nhỏ giọt nên lượng hàng ùn tắc càng lớn.
Hiện nay tính từ cửa khẩu đến khu vực thành phố Lạng Sơn ùn tắc khoảng 1.800 xe hàng hóa, trong đó có khoảng 1.000 xe chở dưa hấu. Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tin dưa hấu được mùa, lượng hàng xuất tăng, cán bộ trạm đã thắt chặt an ninh, chống dẫn dắt xe, cò mồi làm thủ tục, đảm bảo không để mất an ninh trật tự.
Cho đến nay lượng dưa, nông sản dồn về cửa khẩu vẫn tăng lên từng ngày, nguy cơ ùn tắc càng cao. Không ít xe dưa do không chờ được đã phải quay đầu trở lại bán tại nội địa. Như vậy nguy cơ thua lỗ của người nông dân tăng rất cao. Đây có lẽ là bài học cho mùa dưa tới.
Chúng ta đang bán cái ta có mà chưa bán cái họ cần. Hơn thế thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô. Vẫn nặng lối buôn bán theo phong trào nên dù giải tỏa ách tắc ở cửa khẩu được thì cũng khó lòng giải tỏa ách tắc phía nước bạn khi mà quyền chủ động chưa thuộc về chúng ta.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Nguyễn Hồ ở ấp Long Thành, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng với mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp, an toàn sinh học và là một gương nông dân làm giàu theo hướng sản xuất hàng hóa với danh hiệu "vua chim cút".

Sau 3 tháng triển khai dự án chăn nuôi gà thả đồi tại xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) với tổng đàn gần 7.000 con, bước đầu đã khẳng định phù hợp với điều kiện chăn nuôi, tỷ lệ sống cao và tốc độ sinh trưởng nhanh. Dự án đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương vươn lên làm giàu.

Chỉ là 1 loại cây trồng “bén duyên” trên vùng đất cù lao Ngũ Hiệp, nhưng hơn 40 năm có mặt trên vùng đất này, cây sầu riêng đã bám rễ và phát triển trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang; đồng thời đưa xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) trở thành “vương quốc” sầu riêng được nhiều người biết đến.

Anh Trần Phước Trung, cán bộ Ban Phát triển xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đưa chúng tôi đến thăm mô hình nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản ở thôn Nhị Hà 3. Đây là nhóm nông dân liên kết nuôi cừu đầu tiên ở địa phương được thành lập từ tháng 9- 2014 đến nay.

Ngày 13.4, tại xã Tây Vinh, Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn (Bình Định) đã tổng kết mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học triển khai tại 2 hộ chăn nuôi ở thôn Bỉnh Đức và Nhơn Thuận với diện tích 40m2.