Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ùn Tắc Nông Sản Bài Học Đến Hẹn Lại Lên

Ùn Tắc Nông Sản Bài Học Đến Hẹn Lại Lên
Ngày đăng: 27/03/2014

Mỗi năm vào vụ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) thường xuyên xảy ra ùn tắc xe chở nông sản. Năm nay do các tỉnh phía Nam được mùa dưa nên lượng hàng nông sản đổ về cửa khẩu tăng đột biến khiến các lực lượng chức năng phải dồn sức giải tỏa ùn tắc.

Mỗi ngày chỉ có khoảng hơn 300 xe xuất được hàng trong khi đó xe dồn về cửa khẩu khoảng 500 xe mỗi ngày

So với mọi năm lượng dưa hấu xuất khẩu đổ về Cửa khẩu Tân Thanh huyện Văn Lãng tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân là do các tỉnh phía nam được mùa dưa, thu hoạch rộ. Tính trung bình mỗi ngày có trên 500 xe dưa dồn về cửa khẩu. Thế nhưng lượng hàng xuất, chỉ đạt khoảng 300 xe mỗi ngày, cộng với hàng hóa nông sản khác khoảng 100 xe khiến cho bến bãi Cửa khẩu Tân Thanh lúc nào cũng quá tải.

Nhìn những xe dưa hấu ùn ứ dồn về cửa khẩu dài hàng chục km, những chủ hàng, lái xe đội mưa chạy đôn chạy đáo tìm chỗ đỗ, làm thủ tục ai cũng ái ngại cho một mùa dưa người nông dân vất vả mà nguy cơ lỗ do xuất chậm mỗi lúc một tăng.

Khu vực ngoài cửa khẩu, lượng xe dưa, xe hàng mỗi lúc một nhiều khiến cho lực lượng làm trật tự phải vất vả lắm mới ổn định được luồng tuyến, chống ùn tắc. Quyết tâm của các lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu là tạo điều kiện cao nhất cho hàng hóa thông quan an toàn.

Có mặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh, Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết, Trạm và các lực lượng tại đây đã trao đổi với phía nước bạn tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Thế nhưng do kho bãi hạn chế, phía nước bạn chỉ đáp ứng được khoảng 300 xe mỗi ngày.

Trong khi đó lượng hàng xuất lớn nên trung bình mỗi ngày dồn ứ hơn 100 xe. Vận dụng mọi biện pháp cũng chỉ nâng lên được 320 xe xuất. Như vậy đã hơn bình thường 20 xe nhưng mức độ chống ùn tắc chưa được cải thiện là bao.

Hiện nay một trong những điều khó khăn là bến bãi hàng hóa, mặc dù đã được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng kho bãi chưa đáp ứng được. Vì vậy khi xảy ra ùn tắc lượng xe dồn về ngày một đông càng gây tình trạng ùn tắc hơn.

Theo ông Chu Bá Toàn, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh, kho bãi không đáp ứng được nên dẫn đến ùn tắc, mặc dù lực lượng Hải quan đã vận dụng tối đa thậm chí làm việc đến tận 10 giờ đêm để các doanh nghiệp làm thủ tục. Phía ngoài cửa khẩu, lực lượng Cảnh sát giao thông phải huy động 100% quân số, trực tiếp phân luồng, dồn từng đoạn, khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ồ ạt dồn lên cửa khẩu.

Thế nhưng họ đã lỡ thu mua, lỡ chở ra, quay về càng lỗ nên đành phải chen chân lên cửa khẩu. Để chống ách tắc, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Bộ đội Biên phòng phải phân luồng vào cửa khẩu, ưu tiên xe nông sản. Thế nhưng lượng dưa xuất khẩu qua cửa khẩu vẫn chưa được như mong muốn.

Anh Huỳnh Văn Nghĩa, lái xe 75C - 2143 tâm sự, năm nay xe nhiều, dưa được giá, tầm 7 đến 10 nghìn 1 kg nên bà con thi nhau thu gom, xuất bán sang Trung Quốc. Thế nhưng, tắc thế này rất nhiều chủ hàng có nguy cơ lỗ. Phía nước bạn nhập nhỏ giọt nên lượng hàng ùn tắc càng lớn.

Hiện nay tính từ cửa khẩu đến khu vực thành phố Lạng Sơn ùn tắc khoảng 1.800 xe hàng hóa, trong đó có khoảng 1.000 xe chở dưa hấu. Trạm trưởng Đặng Nam Cao cho biết thêm, ngay từ khi nhận được tin dưa hấu được mùa, lượng hàng xuất tăng, cán bộ trạm đã thắt chặt an ninh, chống dẫn dắt xe, cò mồi làm thủ tục, đảm bảo không để mất an ninh trật tự.

Cho đến nay lượng dưa, nông sản dồn về cửa khẩu vẫn tăng lên từng ngày, nguy cơ ùn tắc càng cao. Không ít xe dưa do không chờ được đã phải quay đầu trở lại bán tại nội địa. Như vậy nguy cơ thua lỗ của người nông dân tăng rất cao. Đây có lẽ là bài học cho mùa dưa tới.

Chúng ta đang bán cái ta có mà chưa bán cái họ cần. Hơn thế thiếu hẳn sự điều tiết tầm vĩ mô. Vẫn nặng lối buôn bán theo phong trào nên dù giải tỏa ách tắc ở cửa khẩu được thì cũng khó lòng giải tỏa ách tắc phía nước bạn khi mà quyền chủ động chưa thuộc về chúng ta.


Có thể bạn quan tâm

Rau trái - bất an và bất thường Rau trái - bất an và bất thường

“Bây giờ dịch bệnh dữ lắm nên 3 ngày là tôi pha trộn 3-4 thứ thuốc để phun một lần, và sau mỗi lần phun là tôi đổi thuốc mới để tránh bị “lờn”… thuốc” - anh Lê Văn Kề (ấp Long Bình, Long Kiến, Chợ Mới, An Giang) khiến chúng tôi chết lặng khi cho biết quy trình thu hoạch ớt là 4 ngày/lần.

05/10/2015
Trái cây Việt khó xuất ngoại vì cước phí cao Trái cây Việt khó xuất ngoại vì cước phí cao

Nhiều nước mở cửa thị trường cho trái cây tươi của Việt Nam nhưng xuất khẩu vẫn khó do cước vận chuyển bằng đường hàng không chiếm tới 50% giá thành, khó cạnh tranh với trái cây của các nước.

05/10/2015
Nuôi tôm ngoài quy hoạch Nuôi tôm ngoài quy hoạch

Nuôi tôm thâm canh (còn gọi nuôi công nghiệp) đang phát triển mạnh tại Cà Mau. Trước lợi nhuận mô hình có thể mang lại, nhiều hộ tự ý xé rào nuôi tôm ngoài quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy.

05/10/2015
Gạo nghi nhựa ở TPHCM là gạo thật Gạo nghi nhựa ở TPHCM là gạo thật

Như chúng tôi đã đưa tin, sau khi có thông tin phản ánh về việc một hộ dân ở TPHCM mua gạo về nấu cơm phát hiện có một số hiện tượng bất thường như cơm hạt chín hạt sống, cứng như nhựa, cho vào chảo rang thì hạt gạo cháy đen, bốc mùi khét... nên nghi là gạo nhựa.

05/10/2015
 Điêu đứng vì giá vịt thịt giảm sâu Điêu đứng vì giá vịt thịt giảm sâu

Khoảng 1 tháng nay, giá vịt thịt liên tục giảm. Điều này khiến người chăn nuôi trên địa bàn TX. Gò Công và huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bán không được, nuôi tiếp thì càng lỗ thêm.

05/10/2015