Tỷ Phú Cá Chình

Anh Phan Hồng Phúc ở ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) đã thành công trong việc SX cá chình giống và nuôi thương phẩm mang lại lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.
Gia đình anh Phúc có 3 công ruộng ở vị trí không được tốt nên hiệu quả canh tác lúa không cao, anh phải tìm kế sản xuất (SX) khác để nuôi sống 4 miệng ăn. Tình cờ anh xuống thăm mấy người bạn ở Cà Mau, thấy mô hình nuôi cá bống tượng nên về làm thử. Nào ngờ, con cá bống tượng làm vợ chồng anh bao phen hoảng hồn, do cá chết hàng loạt mà không biết nguyên nhân. Rồi anh kiên nhẫn học hỏi kinh nghiệm, tìm tài liệu nghiên cứu. Từ chỗ nuôi lỗ, anh hòa vốn và có lời.
Năm 2005, nghe nói Phan Hồng Phúc ở xã Phú Thuận nuôi cá bống tượng, ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Bạn hàng vùng lộ tẻ Cái Sắn nghe cũng muốn tìm đến xem thử. Từ sự “hiếu kỳ” đó, họ mới kết thân, giúp anh Phúc biết thêm con cá chình. Khi con cá bống tượng bị “trục trặc” về giống, thị trường, kỹ thuật chăm sóc… anh Phúc bắt đầu chuyển sang nuôi cá chình.
Vừa bán giống, anh vừa nuôi cá thịt. Anh chủ động được nguồn giống nhờ nắm vững kỹ thuật ương cá hương, nuôi dưỡng thành con giống. Cá chình được anh cung cấp khi cho nhu cầu nuôi lồng bè (khoảng tháng tư đến tháng tám âm lịch), còn đối với nuôi trong vuông ruộng lúc nào cũng có.
Cá chình nuôi sau một năm, trọng lượng 1-1,5 kg giá bán khoảng 400.000 đồng/kg, nhu cầu thị trường TP HCM ăn hàng rất mạnh. Trong khi đó, chi phí thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản lại thấp nên cho lợi nhuận cao. “Để có được nguồn thu nhập tốt, người nuôi cá chình cần quan tâm nguồn nước, điều kiện vùng nuôi, kỹ thuật chăm sóc. Do giá con giống đắt nên xảy ra rủi ro sẽ đội chi phí, người nuôi không có lời”, anh Phúc chia sẻ.
Anh Phan Hồng Phúc khoe, Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức đoàn cán bộ, hội viên và nông dân các địa phương đến tham quan, trao đổi mô hình của anh. Các ngành, các cấp ở huyện Thoại Sơn còn hỗ trợ vốn và mặt kỹ thuật để anh phát triển quy mô SX như hôm nay. Từ năm 2009 đến năm 2012, mỗi năm trừ chi phí anh có lãi 700-800 triệu đồng. Năm 2014 lãi trên 1,2 tỷ đồng.
Ông Vũ Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thoại Sơn cho biết, ương nuôi cá chình trong ao đất đem lại lợi nhuận cao cho gia đình anh Phan Hồng Phúc. Ngoài việc cung cấp giống, anh Phúc còn thu mua cá chình thương phẩm của các hộ nuôi, khuyến khích họ cùng phát triển nghề này. Đây là hướng đi mới cho hội viên, nông dân Thoại Sơn, góp phần tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Đến xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng dưa nằm xen giữa những vườn cao su, dẫn chúng tôi đi, anh Hồ Sỹ Vân - Chủ tịch xã vui mừng cho biết: "Thêm một vụ dưa hấu mang lại thu nhập cao cho người nông dân, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là năm thứ hai, người dân Tân Phú trồng dưa hấu xen cao su".

Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tai xanh, lở mồm long móng… đã làm ảnh hưởng phần nào đến phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè trên sông Tam Kỳ. Với kết quả khả quan ban đầu, mô hình này mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân.

Vừa dẫn tôi đi thăm cánh đồng nuôi cá mới thả, anh Thành quê ở Văn Lương vừa khoe với tôi: Em vừa buông xuống cánh đồng này trên ba vạn cá chép, trắm, trôi…

Hơn 10 năm nuôi lợn, ngoài nguồn thu mỗi năm trên 400 triệu đồng, tài sản lớn nhất mà anh Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Đồng Xá, xã Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên tích lũy được đó là kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng tránh dịch bệnh cho lợn.