Phú Yên Liên Kết Đưa Cá Ngừ Xuất Ngoại

Phú Yên là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đang khởi động các chương trình để thực hiện mô hình này thành công, nhất là đầu tư đồng bộ từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá…
Phú Yên chọn Công ty cổ phần Bá Hải tham gia mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: “Để xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường lớn, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định.
Hiện công ty đã được Bộ KH-CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn được giữ tươi ngon như ban đầu”.
Cũng theo ông Hồng, khoảng tháng 5/2015, Tập đoàn ABI sẽ lắp đặt hoàn thành và đưa công nghệ CAS vào sử dụng tại công ty. Tổng vốn đầu tư công nghệ này khoảng 120 tỉ đồng, trong đó Bộ KH-CN sẽ hỗ trợ 50%, phía Tập đoàn ABI sẽ tập huấn và chuyển giao quy trình vận hành. Hiện công ty đang triển khai đóng mới 5 tàu vỏ vật liệu mới, mỗi tàu trị giá khoảng 20 tỉ đồng.
Các tàu này sẽ làm nhiệm vụ vừa khai thác vừa luân phiên thu gom cá từ các tàu liên kết với công ty để vận chuyển vào bờ nhanh nhất, đảm bảo cá từ khi đánh bắt đến khi vào tới bờ khoảng 10 đến 12 ngày. Phải làm như vậy thì cá ngừ mới đạt được chất lượng và giá trị kinh tế khi xuất khẩu…
Bà Helen Packer, đại diện Công ty ANOVA (Mỹ), cho hay, Công ty ANOVA là một đối tác tại Mỹ thu mua cá ngừ đại dương của Phú Yên thông qua Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc. Trong quý I/2015, công ty sẽ đầu tư cho ngư dân Phú Yên một số mô hình sơ chế và bảo quản cá ngừ tiên tiến hiện nay, hỗ trợ công nghệ khai thác sử dụng lưỡi câu vòng (lưỡi câu chữ C).
Lưỡi câu vòng có ưu điểm là khi cá ngừ ăn mồi sẽ dễ mắc câu và khó sẩy hơn so với lưỡi câu chữ J mà hiện nay đa số ngư dân Phú Yên đang sử dụng. Lưỡi câu vòng sẽ hạn chế bắt các loài không mong muốn như rùa biển, cá heo… mục đích là bảo vệ môi trường nguồn lợi hải sản.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Bộ NN-PTNT đã phân bổ cho Phú Yên đến năm 2016 đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần, cải hoán và nâng cấp 465 tàu.
Hiện ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng một số mô hình liên kết theo chuỗi khác để chọn mô hình tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả để phổ biến nhân rộng trong toàn tỉnh năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ đạt chất lượng và thu nhập cao cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Việc hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng quy trình khai thác, bảo quản cá ngừ là rất cần thiết. Chỉ có khai thác và bảo quản đúng kỹ thuật thì mới nâng cao được chất lượng cá và bán giá cao. Muốn làm được điều này, nhất quyết phải tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, hiệp hội nghề cá và doanh nghiệp, chứ không thể để một mình ngư dân tự làm được”.
Có thể bạn quan tâm

Các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu bò; hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống, hay gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 5 liều tinh cho một lợn nái/năm.

Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu đầu tư công nghệ chế biến, chỉ chăm chăm vào xuất tươi là nguyên nhân chính khiến tình trạng trái cây rớt giá trở nên trầm trọng.

Vị giám đốc chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 10 năm lập nghiệp từ nghề trồng gấc. Đến nay, công việc kinh doanh của anh phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.

Chỉ tính trong nửa đầu năm 2014, diện tích thanh long trồng mới ở các địa phương khoảng 3.376 ha, đưa diện tích thanh long toàn tỉnh lên 23.927 ha. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, đồng nghĩa với tình hình sâu bệnh hại xảy ra trên thanh long ngày càng phức tạp, nhất là bệnh đốm trắng, thán thư, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Khoảng một tuần nay nhiều nơi ở ĐBSCL có mưa liên tục làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa hè thu. Chiều 22-6, ông Trần Điền Lang, Trưởng ấp Đông Giang, xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết, mưa dầm đã làm lúa bị đỗ ngã hàng loạt khiến chi phí thu hoạch tăng cao, tỷ lệ hao hụt nhiều và chất lượng lúa cũng bị ảnh hưởng.