Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long

Mạnh dạn, kiên trì với hướng đi mình lựa chọn, anh Trần Văn Phi (48 tuổi, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã trở thành tỉ phú với cây chè Ô Long.
Vào vườn chè của anh Trần Văn Phi ở xã Lộc Tân (H.Bảo Lâm), chúng tôi được chiêm ngưỡng cả một đồi chè Ô Long ngút ngàn với những luống chè xanh mướt và đều tăm tắp. Anh Phi cho biết: “Vườn chè Ô Long giống Kim Tuyên này rộng hơn 5 ha, sản lượng đạt 4.000 - 5.000 kg/ha/lứa (mỗi năm thu 6 lứa), cao gấp đôi sản lượng của các công ty nước ngoài trồng ở đây. Nhờ được trồng theo quy trình an toàn, sản phẩm đạt chất lượng nên không phải lo lắng đầu ra. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, lợi nhuận tôi thu được 1,4 - 1,5 tỉ đồng”.
Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.
Trong quá trình này, anh mày mò học hỏi kinh nghiệm, học kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái chè chất lượng cao của họ. Nhờ có năng lực, anh được ông chủ tin tưởng giao làm kỹ thuật, phó giám đốc, rồi giám đốc nông trường chè quản lý hàng chục kỹ sư, công nhân lao động.
“Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nghĩ, dù có làm đến chức gì đi nữa thì vẫn là làm thuê cho ông chủ người nước ngoài. Tại sao đất của mình, nhân lực của mình mà người nước ngoài cách cả ngàn dặm lại tới làm ăn có hiệu quả còn mình thì sao không làm được? Từ đó tôi suy nghĩ cách làm mới, độc lập tự chủ cho riêng mình, rồi tích cóp tiền mua 3 sào đất ở xã Lộc Tân bắt đầu trồng chè Ô Long chất lượng cao khởi nghiệp”, anh Phi cho hay. Năm 2006, anh quyết định bỏ làm giám đốc nông trường, vào Lộc Tân tiếp tục trồng chè.
Ban đầu, diện tích nhỏ, mới trồng nên năng suất không cao, nhưng anh vẫn kiên trì và cuối cùng đã lựa chọn được giống chè Kim Tuyên phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Cùng với đó, anh thực hiện phương án “lấy ngắn nuôi dài”, tiền lãi thu được liền đầu tư mua đất trồng chè và đạt kết quả như ngày hôm nay.
“Cây chè Ô Long này cũng như con người vậy, muốn phát triển toàn diện thì không chỉ ăn no là được mà cần phải đầy đủ chất và cân đối.
Bởi vậy, mình không thể chỉ bón phân ào ào vào là xong, bón phân nhiều cây bội thực, phun thuốc không đúng thì cây bị ngộ độc, nên phải biết bón phân đầy đủ và đảm bảo các thành phần đa lượng, trung lượng, vi lượng cho thật cân đối. Ngoài ra, với thổ nhưỡng ở đây, cần thường xuyên xử lý đất và làm tơi xốp tạo cho đất thoáng.
Quan trọng hơn, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm cây bị sâu bệnh gì để trị, hay cây bị thiếu chất gì mà bổ sung cho phù hợp...”, anh Phi chia sẻ.
Nguồn bài viết: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141208/tu-tao-co-hoi-ky-85-tu-lam-thue-thanh-ti-phu-che-o-long.aspx
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mô hình nuôi lươn trong bể có lót bạt nilon, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất và lợi nhuận khá.

Tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), Đội Kiểm soát Hải quan vừa phát hiện xe tải đầu kéo BKS 15C-00588 chở 320 con chim bồ câu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch.

Anh Lê Minh Hoan ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê 43 ha mặt nước đầu tư nuôi ngao, hến, trong đó 38 ha ngao Bến Tre, 2 ha tôm, 3 ha cua.

Ghi chép chi tiết số lượng từng kg phân bón, ml thuốc bảo vệ thực vật mua về và sử dụng vào ngày nào,… vào quyển nhật ký đồng ruộng là một điều kiện cần có khi trồng rau theo qui trình VietGAP và được chứng nhận, một công việc không dễ dàng đối với một nông dân, kể cả nông dân có kinh nghiệm trồng rau lâu năm.

Sáng 13-7, tại TP. Nha Trang, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng).