Trứng Thật Trứng Giả Vòng Quay Của Những Tin Đồn

Tin đồn tưởng chỉ độc quyền ở mồm miệng dân đen, ở quán cóc vỉa hè giờ bỗng chễm chệ, hiện hình trên các phương tiện truyền thông nhất là cộng đồng báo mạng khiến cho độc giả co rúm lên sợ hãi vì không biết mình sẽ phải ăn gì, mặc gì, dùng gì cho khỏi bị ngộ độc…
Mới đây một số báo điện tử đã đồng loạt đăng tải bài viết “Trứng gà bóp không vỡ, đốt cháy khét xuất hiện ở Hà Nội”. Dư luận hoang mang, lo lắng. Tình hình tiêu thụ trứng gà giảm sút rõ rệt.
Sự việc trầm trọng đến mức Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã phải ra công văn chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành xuống hiện trường xác minh nhân vật trong bài viết.
Bản thân người phản ánh thông tin là chị Úy Thị Ngọc Yến ở địa chỉ 153 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng hết sức bất ngờ trước mức độ của sự việc.
Có thể tóm tắt như sau: Ngày 26/7/2014 gia đình chị Yến có việc riêng nên cần sử dụng trứng gia cầm để làm sa lát. Một người cậu của chị Yến đem đến cho chị 9 quả trứng gia cầm (4 quả trứng gà, 5 quả trứng vịt). Sau khi luộc trứng, bóc ra, chị nghi ngờ 2 quả trứng gà là giả dù trông bề ngoài chúng không khác gì trứng gà bình thường nhưng bên trong lòng đỏ dẻo quánh, bóp mạnh không bị vụn vỡ mà chỉ nứt ra như bị rách, lấy lửa đốt thì bắt lửa cháy xèo xèo, khét lẹt như mùi nhựa cao su.
Vì đã từng đọc rất nhiều thông tin về trứng gà giả, nhất là những video clip về chuyện sản xuất trứng giả ở Trung Quốc nên chị càng tin chắc chuyện đó và đưa thông tin lên facebook “Hội làm cha mẹ” - một diễn đàn mở trên internet để chia sẻ với các thành viên của diễn đàn.
Không ngờ chỉ sau đó ít lâu, hàng loạt các trang mạng như (tienphong.vn, baomoi.com…) lấy thông tin trên facebook “Hội làm cha mẹ” để đăng tải lại mà các tác giả không thèm liên hệ và xin phép chị trước.
Có nhiều thông tin trên báo chưa chính xác, không đúng với các thông tin mà chị Yến đã đưa như: Cậu của chị là người bán bánh mỳ chứ không phải là người buôn bán trứng, cậu chị hiện ở quận Hoàng Mai và không lấy trứng gà của một trang trại ở ngoại thành mà lấy của nhiều đầu mối vãng lai.
Người có tên là Lê Hằng trong bài viết được nói là bạn của chị Yến hiện đang sống ở Trung Quốc và thỉnh thoảng có mua phải loại trứng như trên thực tế không phải là bạn của chị Yến mà chỉ là một thành viên của facebook “Hội làm cha mẹ”.
Tại thời điểm kiểm tra, xác minh thông tin, gia đình chị Yến không còn lưu giữ số trứng nêu trên, do vậy đoàn kiểm tra không lấy được mẫu để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên đoàn cũng lấy ngẫu nhiên 10 quả trứng (5 quả trứng gà và 5 quả trứng vịt) kinh doanh trên địa bàn để luộc kiểm tra chất lượng, kết quả kiểm tra cảm quan hoàn toàn bình thường.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Mậu Hải - Chi cục phó Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho biết ngay từ lúc tiếp cận thông tin trên đã nghĩ chắc trong đầu là tin đồn rồi bởi: Trứng giả để đạt đến độ tinh vi, công sản xuất có khi còn cao hơn giá trứng thật.
Trong khi trứng thật hiện bán ê hề, giá rất rẻ mà nhiều khi còn ế thì dại gì ai lại đi sản xuất trứng giả. Dù biết là thế nhưng cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc để xác minh vì đó là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Nếu thông tin đó đúng sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, nếu không đúng phải có thông tin lại để cho xã hội đỡ hoang mang.
Cũng theo ông Hải, với sự giúp đỡ tham vấn của các nhà chuyên gia chăn nuôi đều cho biết lòng đỏ trứng bị cứng trong quá trình bảo quản cũng là điều bình thường, lòng đỏ có màu sắc đậm hoặc nhạt hơn cũng vậy. Còn chuyện lòng đỏ trứng đốt cháy xèo xèo là bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều protein, khi đốt có mùi khét.
Ngay cả móng tay, móng chân khi đốt cũng có mùi khét như thế. Bởi lấy lại những thông tin không chính thống, khai thác theo xu hướng giật gân mà không tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn đã gây một hậu quả xấu cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Xoài giả, trứng giả, mực giả, nuôi cua bằng băng vệ sinh, trong sữa bột có đỉa, vải Trung Quốc xuất vào Việt Nam, người ngoài hành tinh vừa ghé thăm Hà Nội… Hàng loạt những tin giật gân, hàng loạt những cái tít rùng mình ấy đang là những con “ngáo ộp” hàng ngày, hàng giờ nhảy ra từ các phương tiện truyền thông đại chúng xuống hù dọa mọi người.
Nháo nhào vào cuộc, cấp tập kiểm tra nhưng rốt cuộc mọi chứng cứ đều hư ảo, chỉ lòng tin và tổn hại kinh tế là có thực. Mà mất lòng tin thì nào có chết ai?
Có thể bạn quan tâm

Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 11.734 ha. Trong đó, tiêu kinh doanh 7.530 ha, tiêu kiến thiết cơ bản 3.715 ha, tiêu trồng mới 489 ha. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 ha.

Áo thôi ướt đẫm mồ hôi, chân tay cũng không còn bị xi măng bám chặt, ông Bùi Văn Hoàng, ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) hiện nay chỉ cần bỏ ra khoảng 1 giờ mỗi ngày để thu hoạch nấm bào ngư. Cười tươi rói bên trại nấm bào ngư và nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch, ông Hoàng bộc bạch: “Trước làm phụ hồ, cả ngày vất vả mà thu nhập chỉ khoảng 200 nghìn. Còn giờ, mới nửa tháng thu nấm sò, tôi đã bỏ túi 6 triệu đồng”.

Cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, nhiều hộ đã thay trồng loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít hộ thành công nhờ thực hiện mô hình cà phê ghép, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Bù Gia Mập - Bình Phước).

Mưa lớn liên tục trong khi mương thoát nước bị thu hẹp khiến hàng trăm công lúa thu đông trong tiểu vùng ấp Ninh Thạnh (xã An Tức, Tri Tôn, An Giang) đổ ngã, một phần bị hư hỏng do chìm trong nước. Bên cạnh khẩn trương rút nước để nông dân thu hoạch lúa, việc đầu tư thêm trạm bơm và nạo vét mương nội đồng mới là giải pháp lâu dài.

Dự án Di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi, xã Văn Lăng là dự án xây dựng công trình công cộng, có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Do vậy, kinh phí trồng rừng thay thế được lấy từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Sở Nông nghiệp và PTNT đã được tỉnh giao xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế thuộc dự án theo kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2015 của tỉnh.