Trung Quốc Tăng Mua, Giá Gạo Nội Địa Bật Mạnh Trở Lại

Sau một thời gian dài thực hiện lệnh kiểm soát biên giới của Bắc Kinh, gần đây thương nhân Trung Quốc đã quay lại mua gạo tiểu ngạch từ Việt Nam. Điều này đã phần nào khuyến khích giá lúa gạo thị trường nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bật tăng trở lại trong những ngày qua.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Công Khanh, một thương lái chuyên kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ngụ tại Hải Phòng, thừa nhận gần đây hoạt động buôn bán gạo tiểu ngạch giữa thương nhân trong nước với đối tác phía Trung Quốc sôi động trở lại so với thời điểm Trung Quốc quyết định kiểm soát việc buôn bán gạo tại biên giới phía Bắc.
Theo ông Khanh, do một số doanh nghiệp phía Bắc đang tập trung xả gạo tồn kho vì lệnh kiểm soát biên giới trước đó của Trung Quốc gây ra cho nên nhu cầu lấy gạo từ ĐBSCL dù có tăng nhưng chưa mạnh lắm. “Với đà mua mạnh trở lại của Trung Quốc như thế này, tôi nghĩ khoảng nửa tháng nữa thôi, thị trường gạo ĐBSCL sẽ sôi động lắm”, ông Khanh cho biết.
Dù lượng hàng đi Bắc chưa nhiều nhưng theo ghi nhận của phóng viên, giá lúa gạo nội địa ở ĐBSCL gần đây đã tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với mức giá của tuần rồi.
Cụ thể, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TPHCM), cho biết tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá dao động khoảng 7.500 - 7.700 đồng/kg và 9.000-9.100 đồng/kg đối với gạo thành phẩm (tùy chất lượng).
Trong khi đó, giá lúa IR 50404 tươi tại một số tỉnh ĐBSCL cũng nhanh chóng vượt lên mức giá 5.200-5.300 đồng/kg.
Theo bà Yến, ngoài nhu cầu của Trung Quốc, việc mua gạo phục vụ cho tiêu thụ nội địa tăng trong khi lượng gạo hàng hóa trên thị trường không còn nhiều cũng là tín hiệu tốt khuyến khích giá lúa, gạo nội địa tăng mạnh trở lại trong những ngày qua.
Về diễn biến của việc mua bán gạo chính ngạch, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu tại ĐBSCL, hoạt động mua bán diễn ra khá trầm lắng và giá bán hầu như không có biến động nhiều so với tuần rồi.
Cụ thể, gạo 5% tấm hiện được chào bán với giá 435-445 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm có giá 400-410 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm Jasmines có giá 575-585 đô la Mỹ/tấn.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, nông dân trong tỉnh gieo cấy hơn 34.000 ha lúa mùa, đạt xấp xỉ 95% diện tích kế hoạch. Các huyện có tiến độ gieo cấy nhanh: Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ...

Đến nay, cá tra VN vẫn là hàng "độc quyền" trên trường quốc tế. Về nguyên tắc, đáng lẽ hàng độc quyền phải được bán với giá cao và có quyền quyết định về giá. Song, thực tế giá cá tra XK ngày càng giảm, khiến người nuôi thua lỗ

Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), tính đến thời điểm này có hơn 1.000 ha lúa đông xuân bị nhiễm rầy nâu, đạo ôn lá, lem lép hạt và sâu cuốn lá nhỏ. Nghiêm trọng nhất là bệnh rầy nâu với hơn 600 ha lúa bị nhiễm do mưa trái mùa, trong đó có đến 105 ha bị nhiễm nặng.

Vài năm trở lại đây, gừng ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) bán rất được giá và khá hơn so với cây trồng khác cùng vụ. Nhưng năm nay giá gừng đột ngột giảm mạnh, nhiều hộ trồng gừng “sốc” với giá rẻ như bèo, bán ra thì lỗ nặng, để lại chờ giá thì khó bảo quản được lâu vì khi gừng héo và nhú mọng sẽ mất giá trị.

Sau 1 trận mưa, hàng chục hộ dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nuôi cá bè, lồng trên sông Kênh Than bỗng dưng trắng tay vì cá chết hàng loạt.