Trung Quốc Tăng Mua, Giá Gạo Nội Địa Bật Mạnh Trở Lại

Sau một thời gian dài thực hiện lệnh kiểm soát biên giới của Bắc Kinh, gần đây thương nhân Trung Quốc đã quay lại mua gạo tiểu ngạch từ Việt Nam. Điều này đã phần nào khuyến khích giá lúa gạo thị trường nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bật tăng trở lại trong những ngày qua.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Công Khanh, một thương lái chuyên kinh doanh gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc, ngụ tại Hải Phòng, thừa nhận gần đây hoạt động buôn bán gạo tiểu ngạch giữa thương nhân trong nước với đối tác phía Trung Quốc sôi động trở lại so với thời điểm Trung Quốc quyết định kiểm soát việc buôn bán gạo tại biên giới phía Bắc.
Theo ông Khanh, do một số doanh nghiệp phía Bắc đang tập trung xả gạo tồn kho vì lệnh kiểm soát biên giới trước đó của Trung Quốc gây ra cho nên nhu cầu lấy gạo từ ĐBSCL dù có tăng nhưng chưa mạnh lắm. “Với đà mua mạnh trở lại của Trung Quốc như thế này, tôi nghĩ khoảng nửa tháng nữa thôi, thị trường gạo ĐBSCL sẽ sôi động lắm”, ông Khanh cho biết.
Dù lượng hàng đi Bắc chưa nhiều nhưng theo ghi nhận của phóng viên, giá lúa gạo nội địa ở ĐBSCL gần đây đã tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với mức giá của tuần rồi.
Cụ thể, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TPHCM), cho biết tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá dao động khoảng 7.500 - 7.700 đồng/kg và 9.000-9.100 đồng/kg đối với gạo thành phẩm (tùy chất lượng).
Trong khi đó, giá lúa IR 50404 tươi tại một số tỉnh ĐBSCL cũng nhanh chóng vượt lên mức giá 5.200-5.300 đồng/kg.
Theo bà Yến, ngoài nhu cầu của Trung Quốc, việc mua gạo phục vụ cho tiêu thụ nội địa tăng trong khi lượng gạo hàng hóa trên thị trường không còn nhiều cũng là tín hiệu tốt khuyến khích giá lúa, gạo nội địa tăng mạnh trở lại trong những ngày qua.
Về diễn biến của việc mua bán gạo chính ngạch, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu tại ĐBSCL, hoạt động mua bán diễn ra khá trầm lắng và giá bán hầu như không có biến động nhiều so với tuần rồi.
Cụ thể, gạo 5% tấm hiện được chào bán với giá 435-445 đô la Mỹ/tấn, gạo 25% tấm có giá 400-410 đô la Mỹ/tấn và gạo thơm Jasmines có giá 575-585 đô la Mỹ/tấn.
Có thể bạn quan tâm

Theo chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp của tỉnh: Đến hết năm 2013, diện tích nuôi tôm công nghiệp phải đạt 7.500 ha và đến năm 2015 đạt 12.000 ha. Tuy nhiên, tính đến nay diện tích này mới chỉ đạt hơn 5.400 ha

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường phát triển các Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến bao tiêu sản phẩm.

Thời gian gần đây, mô hình nuôi ếch Thái trong lồng được nhiều nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) áp dụng. Do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao nên ngày càng có nhiều nông dân áp dụng mô hình này.

Sau 2 cơn bão số 10 và 11, dịch lở mồm long móng gia súc đã phát sinh tại 7 xã, phường của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ước tính có 105 con trâu bò và 1 con lợn mắc bệnh.

Những ngày công tác ở vùng trung du Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện đẹp như cổ tích về những tỉ phú “chân đất” đi lên từ hai bàn tay trắng. Một trong số đó là người trưởng thôn đa năng, đa tài Mai Văn Rõ (52 tuổi), ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.