Trung Quốc Mua Tôm, Doanh Nghiệp Trong Nước Yếu Thế

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục tăng và được kéo lên cao nhất trong vòng 2 năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh mua vào. Trong khi đó, doanh nghiệp “kêu” gặp khó do không thể cạnh tranh lại, thiếu nguyên liệu thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Mua tôm kiểu… Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho biết kể từ đầu năm 2013 đến nay, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu của Việt Nam mang về nước tiêu thụ.
“Không chỉ mua tôm có chất lượng tốt, Trung Quốc gom cả sản phẩm kém chất lượng, thậm chí họ còn yêu cầu nhà cung cấp bơm tạp chất vào tôm hay vào tận các nhà máy ở ĐBSCL để trả giá, cho doanh nghiệp hưởng lời bao nhiêu vậy đó để gom hàng giúp cho họ”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết thương nhân Trung Quốc vào tận các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL để mua nguyên liệu bằng hình thức nâng giá để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc mua tôm nguyên liệu, sau đó họ bơm tạp chất để làm tăng kích cỡ tôm (hay còn gọi là size) và xuất bán với giá cao hơn, trong khi đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chân chính của Việt Nam xuất sang Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn không làm điều này, do đó, cạnh tranh không lại về giá mua tôm nguyên liệu với các thương nhân Trung Quốc.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn ở ĐBSCL phân tích, ví dụ hai “size” tôm liền nhau có giá bán ra của doanh nghiệp lần lượt là 100.000 đồng/kí lô gam và 115.000 đồng/kí lô gam. Nếu “size” tôm có giá bán ra là 100.000 đồng/kí lô gam, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Trung Quốc phải mua vào với giá 85.000 - 90.000 đồng/kí lô gam thì khi bán ra mới có lãi (cạnh tranh công bằng). Tuy nhiên, thương nhân Trung quốc có thể mua cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kí lô gam do họ bơm tạm chất để nâng “size” tôm lên loại có giá 115.000 đồng/kí lô gam.
“Hai cỡ tôm liền nhau có giá chênh lệch 15.000 - 20.000 đồng/kí lô gam, thì họ (Trung Quốc) chích tạp chất vào để đẩy cỡ tôm lên, bán giá cao hơn, như vậy, có bao nhiêu tôm cũng chạy về họ hết”, ông An cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó
Việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam.
Ông Kịch của Cafatex cho biết: “Tôi được biết hiện có nhiều đơn hàng xuất đi Nhật và Mỹ của một số doanh nghiệp đã ký trước đó nhưng không có hàng để chế biến giao cho đối tác. Kể cả doanh nghiệp tôi, có nhiều đơn hàng bán cho Nhật nhưng không kiếm đâu ra nguyên liệu. Họ (Trung Quốc) gom hết trơn rồi, tôm lớn, tôm nhỏ gì cũng gom hết”.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chế biến tôm trong nước. “Công nhân mất việc, thị trường tiềm năng của mình như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có nguy cơ chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất chế biến chân chính sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông An cho biết.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau, loại 20 con/kí lô gam hiện có giá 240.000 – 245.000; loại 30 con/kí lô gam có giá 150.000 – 155.000 đồng/kí lô gam, đặc biệt, loại 15 con/kí lô gam có giá đến 310.000 – 320.000 đồng/kí lô gam, cao nhất 2 năm qua. Giá tôm nguyên liệu tăng cao theo đó giúp thu nhập của không ít hộ nông dân tại ĐBSCL được cải thiện.
Tuy nhiên, ông Kịch của Cafatex, cho biết làm ăn với Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. “Trung Quốc nâng giá thu mua 3 năm nhưng chỉ cần họ 1 năm hạ giá xuống là người sản xuất của Việt Nam cũng đủ chết rồi”, ông nói.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, về mặt nguyên tắc thị trường, ai mua cao thì bán cho người đó, tuy nhiên, về lâu dài, nếu thương nhân Trung Quốc tiếp tục gom tôm nguyên liệu của Việt Nam như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm của Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu như kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc cả năm 2012 chỉ đạt trên 193 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì chỉ 2 tháng đầu năm 2013 đạt trên 31,6 triệu đô la Mỹ
Có thể bạn quan tâm

Dù đã phát triển hơn mười năm, nhưng mô hình trồng nấm rơm vẫn chỉ dừng lại ở xã Phú Lương (huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế). Nhân rộng mô hình trồng nấm, góp phần phát triển kinh tế là vấn đề cần quan tâm

Địa hoàng (sinh địa) là dược liệu được trồng tại Bắc Giang từ nhiều năm trước nhưng diện tích manh mún, nông dân chủ yếu canh tác, thu hoạch theo kinh nghiệm, nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế không cao.

Liên tục sau hai năm rớt giá, đầu vụ thu hoạch sắn năm nay, nhiều người dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khấp khởi mừng thầm khi giá sắn chạm ngưỡng 1.700 đồng/kg (giá thu mua tại nhà máy). Thế nhưng "mừng chưa kịp no", liên tục hai cơn bão ập đến đã khiến người trồng sắn lao đao...

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) đang phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng “Chuyển đổi cơ cấu lúa – tôm” tại xã Phú Thuận. Dự án có diện tích quy hoạch dự kiến 502 héc-ta, gồm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm chủ động tạo nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Không riêng gì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà ngay cả xứ dừa Bến Tre trong thời gian gần đây bỗng rộ lên phong trào nuôi đuông dừa bán cho các nhà hàng, quán ăn.