Trồng Đậu Nành Thu Nhập Gấp Đôi Trồng Lúa

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.
Ông Nguyễn Văn Siêng ở xã Thới An, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ có 0,5ha trồng lúa trong nhiều năm liền nhưng hiệu quả không cao, giá bán lại bấp bênh, nhiều vụ lúa đã bị lỗ nặng. Trạm Khuyến nông huyện đã giúp ông tập huấn kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng 1 vụ đậu nành luân canh với lúa. Nhờ đó, vụ xuân hè năm rồi, gia đình ông trồng đậu nành cho thu hoạch năng suất khá cao, hơn 3 tấn/ha. Với giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trên 10 triệu đồng, cao hơn gấp 2 lần trồng lúa vụ xuân hè hay hè thu.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Hẹ ở cùng xã ông Siêng hay anh Nguyễn Đức Dũng ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng đã chuyển đổi từ trồng độc canh cây lúa sang trồng 2 vụ lúa - 1 vụ đậu nành. Năng suất từ vụ đậu nành cũng đạt hơn 3 tấn/ha và thu nhập tăng gấp 2 - 2,5 lần trồng lúa. Theo ông Hẹ, nếu nắm vững kỹ thuật sản xuất đậu nành thì việc đạt năng suất cao không khó. So với lúa cùng vụ thì ngoài lợi nhuận cao gấp đôi, trồng đậu nành còn tiết kiệm chi phí làm đất, bơm nước.
Ông Trần Hữu Khôi - Trưởng trạm Khuyến nông quận Ô Môn, Cần Thơ cho biết những mô hình đạt năng suất, lợi nhuận cao của bà con luôn được trạm nhân rộng thành mô hình điểm ra toàn tỉnh. Nhiều xã ở huyện Ô Môn như Phước Thới, Thới An, Thới Long Huyện đã phát triển sản xuất đậu nành luân canh lúa khá mạnh.
“Hưởng ứng chủ trương đẩy mạnh phát triển đậu nành trên đất lúa của Bộ NNPTNT, quận Ô Môn và TP.Cần Thơ, trạm đã phát động bà con giảm diện tích lúa xuân hè, đẩy mạnh trồng đậu nành vì nhiều lợi ích như đã nêu trên. Ngoài ra việc sản xuất ngày càng được cơ giới hóa như khâu xuống giống bằng công cụ sạ hàng nhanh và tiết kiệm lao động, ra hạt bằng máy, áp dụng tưới tràn ở những vùng có điều kiện...” - ông Khôi nói.
Có thể bạn quan tâm

Ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết hiện các doanh nghiệp đang tồn kho gần 2.000 tấn trà Ô long, do xuất khẩu sang lãnh thổ Đài Loan gặp khó khăn.

Mặc dù Bộ Công Thương đã có quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân bón, song đến nay ngành phân bón Việt Nam vẫn là một nền sản xuất tự phát.

Hôm (12.10), Hội nghị toàn quốc phòng, chống phân bón giả được tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, thông tin được đưa ra tại một diễn đàn phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra tại Thanh Hóa hôm 9.10 đã khiến không ít đại biểu giật mình.

Hai nhà máy cá tra của Hùng Vương có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất thiết kế 500 tấn cá nguyên liệu/ngày, lắp đặt hoàn toàn bằng thiết bị công nghệ của Nhật, Mỹ và châu Âu.

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mấy ngày qua đã sôi động trở lại.