Trồng Cây Tắc Cho Thu Nhập Cao

Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng cây tắc và với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Hòa Long, gia đình anh Nguyễn Văn Ngay (SN 1961, ở tổ 15 ấp Đông, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, anh Nguyễn Văn Ngay lập gia đình cùng vợ là chị Trần Ngọc Châu vào năm 1982. Cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Nhờ chịu khó làm ăn, tằn tiện, chắt bóp, vợ chồng anh cũng mua được 15.000 m2 đất nông nghiệp để trồng cây, phát triển kinh tế.
Tuy chăm chỉ, chí thú làm ăn, nhưng thu nhập của vợ chồng anh trên thửa đất 15.000 m2 vẫn không khá hơn. Ban đầu, gia đình anh trồng nhiều loại cây ăn trái trên mảnh vườn mới mua nhưng vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm chăm sóc và không tìm được nơi tiêu thụ nên tiền thu về không đáng là bao.
Khi Chi hội nông dân ấp thông báo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn làm ăn với lãi suất thấp (0,65%/tháng), anh Ngay đã đăng ký vay 15 triệu đồng dùng để cải tạo đất và mua 200 cây tắc về trồng thí điểm.
Trời không phụ lòng người, sau 1 năm chăm sóc, cây tắc phù hợp với dòng đất đỏ Bazan nên phát triển nhanh, trái chín vàng và cho thu hoạch đợt đầu 2 tạ/200 cây. Với giá bán từ 7.000 - 18.000 đ/1 kg, anh Ngay đã thu về cho gia đình 19 triệu đồng.
Thấy mô hình làm ăn được từ vườn tắc, anh xin bồi vốn, mạnh dạn đầu tư thêm 1.000 cây tắc. Để có giống tốt, anh Ngay phải xuống tận Tiền Giang chọn lọc kỹ. Với quyết tâm của mình anh chịu khó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi với các nhà vườn cung cấp cây giống về cách trồng, chăm sóc để cho cây tắc phát triển mạnh, cho nhiều trái. Cứ thế vợ chồng anh Ngay ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc, cây lớn nhanh.
Tắc trúng mùa, trúng giá, gia đình anh đã trả được hết vốn và lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hàng năm, thu nhập bình quân từ cây tắc hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí lao động, thuê nhân công, phân bón, gia đình anh cũng còn lại khoảng 120 triệu đồng. Từ những bước đi đúng hướng, đến nay gia đình anh chị đã xây dựng được căn nhà khang trang, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, có điều kiện đầu tư cho con cái học hành tử tế.
Ông Lê Thành Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Long cho biết, anh Ngay là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương. Không chỉ chí thú làm ăn mà anh còn có tinh thần học hỏi, tìm mọi cách để vươn lên thoát nghèo.
Anh Ngay còn tạo công ăn việc làm cho người lao động trong thôn, xóm, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhiều hội viên khác về kỹ thuật trồng trọt.
Anh Ngay cũng tích cực tham gia trong các phong trào do địa phương phát động. Năm 2011, gia đình anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về phong trào nông dân sản xuất giỏi. Trong 3 năm liền, anh Nguyễn Văn Ngay còn được xã Hòa Long và TP.Bà Rịa tặng nhiều giấy khen.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay trên cây tiêu, bệnh tuyến trùng gây hại 150ha, tỉ lệ hại 5 đến 10% rễ; bệnh đốm lá gây hại 20ha, tỉ lệ bệnh 5 đến 15% lá, tập trung tại các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Ngoài ra, bệnh thán thư và bệnh chết chậm còn xảy ra trên 10ha tiêu. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 687ha tiêu, trong đó huyện Tây Hòa 573ha, năng suất bình quân 23 tạ/ha. Với giá bán dao động từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, mỗi héc ta tiêu đạt doanh thu 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm qua việc trồng tiêu ở Phú Yên còn mang tính tự phát nên rất khó đầu tư và quản lý sản phẩm. Điều này dẫn đến trình độ thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên cây trồng này ở mức cao.

Năm 2014, nông dân thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) canh tác mía với diện tích 2.690ha, mía trong giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi, chủ yếu ở các xã: Tân Tiến, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân và phường VII. Trong những ngày qua, mưa nhiều làm cho diện tích sâu bệnh trên cây mía tăng đáng kể.

Mô hình trồng chuối già hương tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (KNNUDCNC) An Thái, huyện Phú Giáo (Bình Dương) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả.

Sáu tháng đầu năm 2014, sản lượng hải sản ngư dân tỉnh Quảng Nam đánh bắt được tăng so với cùng kỳ, trong đó nghề đánh bắt xa bờ cho sản lượng cao đã giúp ngư dân có thêm nguồn lực đầu tư bám biển.

Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ cho dân trên 157 triệu đồng, bao gồm 100% chi phí tiêm vắc-xin, 20% con giống và 1 cuộc tập huấn; còn lại là vốn đối ứng của dân hơn 3,36 tỉ đồng.