Trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi bò sinh sản

Sau khi lập gia đình, anh Đôn được bà ngoại cho mượn 8 công đất (8.000m2) để trồng mía. Liên tiếp nhiều vụ, giá mía luôn ở mức thấp nên thu nhập không đủ sống, gia đình 4 miệng ăn (vợ chồng anh Đôn và 2 người con) phải nhờ vào sự hỗ trợ của cha mẹ. Do vậy, anh Đôn luôn nung nấu ý chí phấn đấu vươn lên. Năm 2004, thấy nguồn rơm tại địa phương nhiều và người dân thường xử lý bằng cách đốt để làm vệ sinh đồng ruộng, anh quyết định nuôi bò. Được ông bà ngoại cho mượn 5 triệu đồng, anh mua 2 con bò cái giống và nhận nuôi rẻ một con bò cái. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đàn bò của anh phát triển thuận lợi.
Trong những năm 2008 - 2010, giá bò xuống thấp nên nhiều người dân bán bò, chuyển sang loại hình chăn nuôi khác, nhưng anh Đôn vẫn “chung thủy” với nghề nuôi bò. Anh vay thêm vốn, tuyển chọn bò giống và tham gia thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” do Hội Nông dân xã phát động. Cùng thời điểm này, anh tham dự các lớp tập huấn chăn nuôi (thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn) do Hội Nông dân kết hợp với ngành chức năng tổ chức.
Kiến thức học hỏi được cùng với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm đã giúp anh nâng cao tay nghề, chăm sóc đàn bò tốt hơn (không phải nhờ cán bộ thú y xã, kể cả việc đỡ đẻ trong lúc bò mẹ sinh con). Anh Đôn tâm sự: “Trong chăn nuôi, tôi chú ý theo dõi sát đàn bò của mình. Đồng thời, chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm qua các phương tiện thông tin đại chúng về kỹ thuật chăn nuôi, thuốc phòng bệnh, con giống, thức ăn, giá cả… để có hướng xử lý thích hợp”.
Đến nay, anh Đôn đã phát triển đàn bò được 22 con (trong đó có 12 con nái giống), xây dựng được chuồng trại, sân phơi thông thoáng và đầu tư trồng được 8.000m2 cỏ mật nước. Nhờ nuôi bò sinh sản, anh đã sang nhượng thêm được đất, xây nhà và nuôi 2 con ăn học.
Thời gian rảnh, anh hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi bò hoặc đỡ đẻ cho bò (không lấy tiền) cho nhiều hộ dân trong xã. Liên tục trong nhiều năm liền, anh được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi các cấp và đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh tiêu biểu năm 2014. “Anh Đôn là một nông dân chí thú làm ăn và chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Tại xã, anh nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi địa phương, tận tình hỗ trợ cho bà con nông dân những lúc gặp khó khăn”, ông Nguyễn Duy Phúc - Chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Một thực tế đáng quan ngại ngay tại ÐBSCL là trong khi thất thoát sau thu hoạch lúa từ 12-14%, tương đương 635 triệu USD mỗi năm thì chỉ có 3% sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho các nhà máy lau bóng/xuất khẩu. Còn lại hầu hết đều "phó thác" cho thương lái. Tuy nhiên, ngay cả nông dân và thương lái cũng phải lệ thuộc vào lực lượng "cò lúa", gạo đang tung hoành tại vựa lúa lớn nhất quốc gia…

Trên các cánh đồng của các xã Hoài Sơn và Hoài Mỹ thuộc huyện Hoài Nhơn, HTX nông nghiệp đã cho đúc và đặt rải rác những ống cống bằng bê tông cốt thép có chiều cao khoảng 1-1,2m, đường kính từ 0,8- 1m, để dùng chứa chất thải.

Dự án phát triển lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, Ngân hàng CSXH quản lý đã tạo sinh kế lâu dài cho hàng ngàn hộ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam.

Khác với mấy năm trước, khi rau VietGAP còn nằm lẫn với rau thường, khó phân biệt mà giá bán lại cao, bị người tiêu dùng chê, thì lần trở lại lần này rau VietGAP đã ở một vị thế khác, có cửa hàng riêng khang trang. Chỉ cần tới đầu chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận), chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) hay chợ Tân Định (quận 1)…

Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp vừa tổ chức nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu phục tráng giống lúa bao thai Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn”.