Triệu Phú Nuôi Lợn, Trồng Hoa Tết

Để có lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/năm, gia đình anh Nguyễn Minh Diện đã kiên trì với mô hình “1 con, 2 cây” là nuôi lợn và trồng đào, quất bán dịp tết.
So với nhiều người làm trang trại ở thôn Quảng Mản, xã Bình Khê (Đông Triều), diện tích trang trại hơn 1ha của anh Diện vào loại trung bình, nhưng anh đã biết chọn hướng đi đúng, cộng với sự cần cù, chịu khó và nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, trang trại của anh đã cho thu nhập khá bền vững.
Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, anh Diện chậm rãi kể: Năm 1996, khi mới bắt đầu lập nghiệp, lúc đó phong trào chuyển các ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng vải được người dân trong xã đua nhau phát triển, nhà nào ít cũng có vài chục đến vài trăm cây.
Nhưng khi cây vải hết thời, anh đã nhanh chóng chuyển đổi sang nghề trồng hoa cúc, hoa dơn và các hoa màu khác, nhưng thu nhập từ hoa màu cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống đạm bạc của gia đình anh.
Vào năm 2007, anh theo một số người bạn trong thôn lên Bắc Giang để học nghề trồng đào, quất phục vụ người dân chơi tết, đồng thời học thêm nghề chăn nuôi lợn để tăng thu nhập và lấy phân bón cho đào và quất.
Sau đó, anh mang kiến thức đã học được cùng mấy trăm gốc đào, quất về quê trồng thử. Nhưng do tay nghề và kinh nghiệm chưa nhiều nên cây còi cọc, chậm lớn; lợn thì thường xuyên bị bệnh và chết quá nửa.
Anh mày mò tìm hiểu, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, từng bước khắc phục những nguyên nhân gây thất bại, kiên trì hướng đã chọn là “nuôi lợn và trồng hoa tết”. Phải mất 2 năm sau đó, trang trại của anh bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Đến nay, trang trại của anh Diện đang nuôi 60 con lợn nái siêu nạc. Toàn bộ số lợn con, anh đưa vào nuôi thương phẩm. Chỉ tính riêng năm 2012 trang trại đã xuất chuồng 40 tấn thịt thương phẩm.
Với giá bán tại chuồng cho các thương lái là 45.000 đồng/kg, cùng với 1.000 gốc quất và 300 gốc đào phai, trang trại của anh đã cho doanh thu 1,7 tỷ đồng. Trừ hết chi phí, gia đình anh còn thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh Diện trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Quảng Ninh.
Bạn đọc quan tâm, muốn được chia sẻ kinh nghiệm, có thể liên hệ: Nguyễn Minh Diện. ĐT: 0985.896.125
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa và vụ 3 năm nay, toàn huyện Phù Cát đã gieo sạ 3.350 ha lúa, đạt 93% diện tích kế hoạch; trong đó có hơn 2.650 ha lúa sạ vụ 3 và gần 700 ha lúa gieo khô. Bà con nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc, bảo đảm nguồn nước tưới nên cây lúa phát triển khá tốt. Song đáng lo ngại là sâu bệnh đang phát sinh gây hại mạnh, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh với mật độ cao từ 3.000 đến 5.000 con/m2, cục bộ có nơi lên đến 10.000 - 20.000 con/m2, gây hại nặng trên lúa vụ 3 giai đoạn cuối đẻ nhánh.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang bùng phát tại một số địa phương, gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân, ngày 8.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các địa phương có dịch cúm gia cầm tái phát chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người.

Được biết đến với nhiều công dụng trong giải nhiệt và hỗ trợ điều trị một số bệnh, vài cơ sở sản xuất trong tỉnh đã đầu tư nghiên cứu phát triển cây chè Dung thành sản phẩm trà, phục vụ người tiêu dùng.

Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.