Triển Vọng Từ Mô Hình Tưới Nước Nhỏ Giọt Cho Cây Mía

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt được Trạm Khuyến nông huyện Kbang (Gia Lai) thực hiện thí điểm trên 1 ha mía của gia đình ông Phan Tấn Mười (thôn 3, xã Đông). Chỉ sau vài tháng triển khai, hệ thống này đã chứng tỏ được nhiều ưu điểm vượt trội của mình, hứa hẹn đem lại những kết quả khả quan cho nông dân trồng mía.
Toàn bộ hệ thống gồm: máy bơm chính, hệ thống ống dẫn thuốc và ống dẫn nước được Trạm Khuyến nông đầu tư với tổng kinh phí 67 triệu đồng.
Cán bộ khuyến nông cũng trực tiếp hướng dẫn gia đình ông Mười cách lắp đặt máy bơm, cũng như cách đặt ống nhỏ giọt cho ruộng mía. Theo đó, ruộng mía được trồng theo kỹ thuật hàng đôi. Ống dẫn nước nhỏ giọt được chôn giữa hàng đôi có đầu nối với ống dẫn chính để lấy nước.
Ống này có đường kính 2 cm, khi nước được đưa vào, tạo thành áp suất đẩy bật “lưỡi gà” trên thân ống, làm cho nước thoát ra, ngấm dần vào đất, cung cấp nước cho cây mía. Đồng thời, “lưỡi gà” này cũng ngăn không cho đất, cát lọt vào gây tắc đường ống trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, các loại thuốc trừ sâu, bệnh pha sẵn cũng được ống dẫn chính hút và hòa cùng với nước để tưới cho cây mía.
Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này sẽ giúp người trồng mía tiết kiệm được công lao động cũng như tiết kiệm nguồn nước tưới. Bởi nước chảy theo ống đặt ngầm dưới lòng đất, nước ngấm dần, trực tiếp cung cấp cho bộ rễ giúp cây mía hấp thụ nhiều và nhanh hơn so với cách tưới thông thường.
Người canh tác cũng tiết kiệm được lượng phân bón cho mía bởi phân không bị hao hụt nhiều như cách bón phun hay rải trước đây mà được hòa cùng với nước và bón trực tiếp cho bộ rễ. Ngoài ra, nước chạy ngầm và thấm dưới lòng đất khiến cho bề mặt ruộng mía hạn chế được các loại cây cỏ dại, từ đó giúp nhà nông tiết kiệm công chăm sóc.
Sau 4 tháng áp dụng hệ thống tưới nước và bón phân nhỏ giọt, 1 ha mía thí điểm của nhà ông Mười đang có tốc độ sinh trưởng tốt, vượt trội hơn hẳn so với các ruộng mía khác. Ông Mười phấn khởi chia sẻ: “Lúc đầu mới lắp đặt hệ thống, tôi cũng còn chần chừ, lo lắng. Tôi không tin làm sao mà cái ống bé xíu lại có thể cung cấp đủ nước cho cây mía.
Thế là tôi đào thử, cứ khoảng 20 phút, nước ngấm được 20 cm bề ngang đất. Khoảng 1 tiếng sau là thấm đẫm cả hai hàng đôi. Nhờ vậy mà đến thời điểm này, mía đã lên cao 50 cm, so với cách tưới trước thì hiệu quả hơn rất nhiều”. Ông Mười cho biết, cách tưới thông thường làm rẽ đất, hao nước mà lại không ngấm đều như tưới nhỏ giọt.
Một hệ thống ống như vậy có thể sử dụng trong vòng 10 năm nên các nhà nông có thể tiết kiệm được chi phí đầu tư cho ruộng mía của mình. Theo ước tính, ruộng mía được sử dụng tưới nhỏ giọt sẽ cho năng suất khoảng 150 tấn/ha, cao gấp 1,5 lần so với cách làm thông thường.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hoạt-Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kbang cho biết: Chúng tôi đang thực hiện thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt trên 1 ha mía với mức đầu tư cho toàn bộ hệ thống là 67 triệu đồng. Cách làm này giúp tiết kiệm được công lao động, tiết kiệm nước tưới, tăng hiệu quả và năng suất cho cây mía.
Đặc biệt, hệ thống này rất thích hợp với các cánh đồng mía lớn có diện tích từ 5 ha trở lên. Hy vọng mô hình này sẽ được bà con nhân rộng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Đắk Song (Đắk Nông) là vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của tỉnh với diện tích hiện nay lên đến 10.000 ha. Việc phát triển theo hướng bền vững là hướng đi đang được địa phương triển khai thực hiện nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Đắk Song.

Năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Đức Hòa (Long An) đã tổ chức trình diễn mô hình trồng cỏ Voi Đài Loan và cỏ Mulato tại ruộng trồng cỏ của gia đình bà Bùi Thị Nhỉ, ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ với diện tích 1.000m2.

Bên cạnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng bán cây thốt nốt, UBND tỉnh An Giang còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ bổ sung cây thốt nốt vào danh mục loài cây nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Để vụ Đông đạt hiệu quả cao, giúp nông dân tăng thu nhập, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân gieo trồng giống đậu tương DT84. Đây là giống đậu tương cho năng suất cao, phù hợp với đồng đất của nhiều huyện ngoại thành.
Chiều 1/10, trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại TP Đà Lạt và các vùng phụ cận gây ra tình trạng lụt cục bộ, làm ngập nhiều nhà cửa và diện tích rau, hoa của người dân.