Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Từ Cây Đậu Đen Xanh Lòng Ở Triệu Vân

Triển Vọng Từ Cây Đậu Đen Xanh Lòng Ở Triệu Vân
Ngày đăng: 24/07/2014

Xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là xã biển bãi ngang nhưng những năm trở lại đây lĩnh vực nông nghiệp đã được quan tâm phát triển và từng bước mang lại hiệu quả cao. Ngoài cây lúa và một số loại cây hoa màu khác thì khoảng 5 năm trở lại đây, cây đậu đen xanh lòng được trồng nơi đây đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng làm ăn mới đầy triển vọng.

Về vùng bãi ngang xã Triệu Vân bây giờ không chỉ thấy hình ảnh những chiếc thuyền ra khơi bám biển mà còn là những cánh đồng hoa màu các loại xanh tươi trên vùng cát bạc màu ngày nào.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng trồng màu của xã, ông Hồ Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Hướng phát triển của xã là cân bằng giữa ngư nghiệp với nông nghiệp.

Bởi ngoài nghề biển thì địa phương còn có diện tích đất cát rộng lớn. Tuy vậy hầu hết vùng đất này đều là đất cát cằn khô. Việc tìm ra hướng đi nào thích hợp trong sản xuất nông nghiệp là điều chúng tôi trăn trở từ nhiều năm nay”.

Theo ông Đức, để hiện thực hóa hướng mở phát triển về nông nghiệp, địa phương đã rà soát lại toàn bộ diện tích đất trên toàn xã để quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng. Vùng thấp thì có thể trồng lúa, cao hơn thì dành để trồng màu và phát triển một số mô hình chăn nuôi tập trung.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm của toàn xã đã đạt là 292 ha. Trong đó, cây lúa đã tăng mạnh, lên đến 117 ha, hàng năm mang lại sản lượng trên 491 tấn, đảm bảo an ninh lương thực của địa phương và còn bán ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, địa phương còn phát triển mạnh các loại cây trồng chủ lực khác như khoai lang, sắn, lạc, vừng, rau đậu các loại, hoa cây cảnh, ớt… Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), thâm canh tăng vụ nên hầu hết các loại cây trồng này đều tăng diện tích canh tác và năng suất hàng năm.

Trong số những loại cây trồng trên thì thời gian qua cây đậu đen xanh lòng đã tỏ rõ tính hiệu quả kinh tế cao và được nông dân quan tâm. Cây đậu đen xanh lòng được người dân thử nghiệm canh tác cách đây khoảng 7-8 năm, nhưng phát triển mạnh kể từ khoảng năm 2010.

Cũng trong thời gian này, dự án Biến đổi khí hậu, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) đã hỗ trợ phát triển mô hình trồng đậu đen xanh lòng cho người dân với mong muốn sản xuất loại nông sản này theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Theo đó, dự án đã hỗ trợ về nguồn giống, phân bón, tập huấn KHKT cho 65 hộ dân tại địa phương canh tác đậu đen xanh lòng theo quy trình biến đổi khí hậu. Trong số 65 hộ này, dự án đã chia thành nhiều tổ, nhóm sản xuất để thuận tiện giúp đỡ nhau trong việc canh tác.

Cùng với số hộ được dự án hỗ trợ, người dân tại địa phương cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng xen canh đậu đen xanh lòng trên một số diện tích hoa màu khác để nâng cao thu nhập. Hiện tại xã Triệu Vân đã có khoảng 70% số hộ có tham gia trồng đậu đen xanh lòng với bình quân từ 3-5 sào/hộ, có hộ trồng đến 9 sào.

Anh Hồ Văn Phùng, cán bộ khuyến nông xã Triệu Vân cho biết: “Cây đậu đen xanh lòng đặc biệt thích nghi và phát triển tốt ở vùng cát địa phương, sức chống chịu hạn cao.

Cây đặc biệt ít bị nhiễm sâu bệnh, cho trái dày, hạt đều. Ngoài việc thích nghi tốt với vùng đất cát địa phương thì việc áp dụng tốt các tiến bộ KHKT, trong chăm sóc, thu hoạch nên đã mang lại chất lượng nông sản tốt, năng suất, sản lượng tăng đều qua từng năm”.

Anh Hồ Thanh Minh, ở thôn 9 làm 5 sào đậu đen xanh lòng phấn khởi nói: “Liên tiếp 3 năm trở lại đây cây đậu đen xanh lòng vừa trúng mùa vừa trúng giá nên bà con vui lắm.

Hiện tại, giá đậu đen xanh lòng đang dao động từ 32-35.000 đồng/kg, mỗi sào bình quân cho năng suất từ 90-100 kg, tính ra mỗi sào như vậy cho thu nhập trên 3 triệu đồng mà vụ trồng chỉ kéo dài chừng hơn 2 tháng, chi phí sản xuất lại thấp. Đầu ra của loại nông sản này hiện rất ổn, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu nên bà con rất phấn khởi”.

Cũng như gia đình anh Minh, hộ anh Trần Bình Công ở thôn 8 canh tác trên 3 sào đậu đen xanh lòng nói thêm: “Trồng giống đậu này tương đối dễ.

Chỉ cần chịu khó chăm sóc là được, còn sâu bệnh rất ít. So với các loại cây khác thì đậu đen xanh lòng có thu nhập cao và ổn định hơn cả. Chỉ làm chừng 3 sào là mỗi vụ kiếm được chục triệu đồng, mà mỗi năm có thể làm hơn 2 vụ ăn chắc”.

Khi vị thế của cây đậu đen xanh lòng ngày càng được khẳng định trên vùng cát Triệu Vân thì dự án Biến đổi khí hậu tính đến chuyện đăng ký xây dựng nhãn hiệu cho nông sản này. Và sau hơn 2 năm làm các thủ tục cần thiết, đến đầu tháng 7/2014, đậu đen xanh lòng xã Triệu Vân đã được cấp nhãn hiệu và chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Ngô Văn Chung, cán bộ phụ trách dự án Biến đổi khí hậu tại Quảng Trị cho biết: “Theo khảo sát của chúng tôi thì thị trường hiện khá ưa chuộng đậu đen xanh lòng, nhất là được trồng ở vùng cát.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với Nhà máy chế biến Nông sản Đông Hà để chế biến và đưa loại nông sản này ra thị trường, trước mắt là đưa vào siêu thị và một số địa điểm kinh doanh hàng lớn ở thành phố Đông Hà để tiếp cận người tiêu dùng.

Với giá bán hiện thời ở tại địa phương đã cao như vậy nhưng khi đã có nhãn hiệu, nếu vào được siêu thị thì giá cả sẽ tăng gấp đôi, lúc đó thu nhập từ đậu đen xanh lòng của người dân chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn nữa”.

Theo ông Lê Hữu Triển, Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Triệu Vân thì hiện địa phương đang tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác cây đậu đen xanh lòng.

Hiện diện tích cây đậu đen xanh lòng của toàn xã đã đạt trên 55 ha. Tính bình quân mỗi héc ta cho năng suất 1,8 tấn thì tổng diện tích này cũng cho sản lượng gần 100 tấn/vụ. Nếu mở rộng diện tích và tăng cường thâm canh, xen canh thì sản lượng chắc chắn còn tăng hơn nữa.

Đầu ra những năm gần đây của loại nông sản này là rất ổn định với giá cao nên rất yên tâm. Mục tiêu của HTX là trong vài năm tới phải xây dựng được khu sản xuất đậu đen xanh lòng tập trung quy mô, tạo ra được sản phẩm chất lượng, “sạch” và từng bước tạo được thương hiệu trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Thả Nuôi Tôm Nước Lợ Tăng Diện Tích Thả Nuôi Tôm Nước Lợ Tăng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến ngày 5-6, toàn tỉnh đã thả nuôi được gần 88.030ha vụ tôm nước lợ năm 2014. Diện tích này đạt hơn 98,9% so với kế hoạch cả năm và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp đạt gần 1.230ha, nuôi quảng canh cải tiến đạt trên 16.050 ha và mô hình tôm - lúa đạt gần 70.750ha.

10/06/2014
Để Cá Tra Vượt Qua Rào Cản Phi Thuế Quan? Để Cá Tra Vượt Qua Rào Cản Phi Thuế Quan?

Rào cản phi thuế quan, nhìn ở góc độ tích cực là điều kiện cần thiết các quốc gia nhập khẩu buộc các nước xuất khẩu phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

10/06/2014
Nghị Định 36 Cần Có Lộ Trình Và Thông Tư Hướng Dẫn Nghị Định 36 Cần Có Lộ Trình Và Thông Tư Hướng Dẫn

Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất.

10/06/2014
Liên Kết Nuôi Ong Bền Vững Cho Doanh Nghiệp, Ổn Định Cho Nông Dân Liên Kết Nuôi Ong Bền Vững Cho Doanh Nghiệp, Ổn Định Cho Nông Dân

Mặc dù đã có 300 đàn ong nuôi ổn định tại Đăk Nông, nhưng ông Cừ vẫn quyết định xuống Bình Phước nuôi thêm 300 thùng ong mật vì đầu ra cho mật ong luôn sẵn có. Ông Cừ cho biết, vụ ong này có thể sẽ mang lại thu nhập hàng chục triệu/tháng cho gia đình ông.

10/06/2014
Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới

Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

10/06/2014