Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Sản Ở Chợ Đồn (Bắc Kạn)

Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Sản Ở Chợ Đồn (Bắc Kạn)
Ngày đăng: 12/05/2014

Trong những năm qua, phát triển kinh tế thủy sản ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) tuy vẫn ở mức tiềm năng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của người dân địa phương.

Trồng lúa và nuôi cá một vụ đang là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều hộ dân xã Bằng Lãng áp dụng

Với hệ thống kênh mương ngày càng được kiên cố hóa đã giải quyết được nhu cầu về chủ động nguồn nước và sự ưu đãi của tự nhiên về các hệ thống khe, lạch, suối... tạo đà cho nghề nuôi thủy sản ở huyện Chợ Đồn ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa.

Nhiều hộ dân xác định nuôi thủy sản là hướng phát triển kinh tế chủ đạo và chuyển từ phương thức quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Đồng thời, thay đổi đối tượng nuôi, đó là giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi các giống thủy sản mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Rô phi đơn tính, cá rô đồng...hình thức chăm sóc, cho ăn cũng được chú trọng hơn; ngoài ra từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học của các hội, đoàn thể và qua truyền thông nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên, các hộ nuôi thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống thủy sản có năng suất cao và chất lượng tốt, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phát triển và mở rộng sản xuất.

Nhờ đó, mà diện tích nuôi thủy sản của huyện tăng theo từng năm, như năm 2009 đạt 239ha; năm 2013 là 295ha; sản lượng một năm thu về gần 400 tấn cá, trong đó nuôi được 383 tấn, khai thác tự nhiên được 11,5 tấn.

Xã Bằng Lãng là một trong những địa phương đi đầu trong nuôi thủy sản ở huyện Chợ Đồn tập trung ở các thôn Tổng Mụ, Nà Khắt, Khuổi Tặc...hầu như gia đình nào cũng có ao rộng, ngoài việc đắp khe làm ao thì người dân ở đây còn làm ruộng một vụ, nuôi cá một vụ; cách làm này đã giúp người dân cải thiện đời sống và có thu nhập.

Với hơn 20ha diện tích mặt nước và thuận lợi về giao thông, giáp với thị trấn Bằng Lũng nên việc tiêu thu của người dân xã Bằng Lãng cũng dễ dàng hơn. Bởi vậy, phát triển nghề nuôi thủy sản được xã Bằng Lãng xác định là một trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều ruộng nhưng thiếu nhân lực nên gia đình cô Hoàng Thị Hỷ, thôn Tổng Mụ đã thực hiện nuôi cá ruộng một vụ được hơn 10 năm nay trên diện tích 2.500m2 và chủ yếu nuôi cá chép. Sau 3 tháng, ngoài việc cung cấp thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày vẫn thu về hơn 4 triệu đồng.

Hay gia đình anh Lèng Văn Thân ở thôn Khuổi Tặc đã bỏ ra mấy chục triệu để đào ao thả cá với diện tích 4.000m2 và coi đây là nguồn thu chính của gia đình, nhờ có sự đầu tư, chăm sóc, nuôi những loài cá cho năng suất, sinh trưởng phát triển nhanh nên mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng.

Ở huyện Chợ Đồn tuy diện tích nuôi trồng thủy sản hằng năm tăng nhưng vẫn chủ yếu mang tính tự phát, diện tích thâm canh có sự đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu, diện tích cá ruộng vẫn còn khiêm tốn (trên dưới 20ha) khi diện tích ruộng lúa có thể chủ động nguồn nước, cải tạo thành ao thì rất lớn.

Từ thực tế, thị trường tiêu thụ các loài cá sạch, uy tín của địa phương vẫn còn lớn bởi hiện nay người dân vẫn chủ yếu sử dụng cá từ Thái Nguyên, Tuyên Quang mang sang bán, kể cả cá giống; nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng nguồn cá giống trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh...

Để nghề nuôi thủy sản ở Chợ Đồn là hướng phát triển kinh tế bền vững, là đòn bẩy góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân thì cần hơn nữa sự quan tâm của chính quyền địa phương về việc định hướng, tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích các hộ tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm hạ giá thành chi phí thức ăn, đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra, xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo nguồn cá sạch cho thị trường...


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Luân Canh Lúa Bắp Giúp Tăng Thu Nhập Mô Hình Luân Canh Lúa Bắp Giúp Tăng Thu Nhập

Từ khi thực hiện mô hình sản xuất đưa hoa màu xuống ruộng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã ăn nên làm ra. Hiện nay, cây bắp được nông dân xem như một trong những loại hoa màu chủ lực.

10/03/2014
Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Hồ Tiêu Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ… Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Hồ Tiêu Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ…

Hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, nhiều nơi người dân ồ ạt trồng tiêu với diện tích lớn nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát và chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt trong thời gian qua.

10/03/2014
Rủi Ro Cao Khi Xuất Khẩu Thanh Long Bằng Đường Tiểu Ngạch Rủi Ro Cao Khi Xuất Khẩu Thanh Long Bằng Đường Tiểu Ngạch

Việc nông dân lệ thuộc vào thương lái, DN lại e ngại làm các thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch không chỉ làm giá trị trái thanh long giảm sút, mà còn gặp rủi ro cao khi phải xuất bán bằng đường tiểu ngạch.

10/03/2014
Khống Chế Bệnh Khống Chế Bệnh "Đốm Trắng" Trên Cây Thanh Long

Bệnh "đốm trắng" trên cây thanh long Chợ Gạo xuất hiện từ tháng 6/2013 với ghi nhận có 120 ha bị nhiễm bệnh, tỉ lệ nhiễm bệnh từ 20 - 30% khiến năng suất và chất lượng trái bị sụt giảm. Trước tình hình trên, các ngành chức năng tích cực khảo sát, xác định nguyên nhân, đưa ra biện pháp phòng trị hữu hiệu và phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

10/03/2014
Chuẩn Bị Công Nhận Vải Thiều Sớm Phúc Hoà Là Giống Cây Trồng Quốc Gia Chuẩn Bị Công Nhận Vải Thiều Sớm Phúc Hoà Là Giống Cây Trồng Quốc Gia

Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp và là chu kỳ cuối trong quy trình chọn tạo, sản xuất, công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên (Bắc Giang) phối hợp với Viện Rau quả trung ương thực hiện trên cây vải sớm tại xã Phúc Hoà.

10/03/2014