Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tranh Nhau Mua Lúa Tạm Trữ

Tranh Nhau Mua Lúa Tạm Trữ
Ngày đăng: 03/03/2015

Chỉ tiêu thu mua 1 triệu tấn lúa gạo tạm trữ giống như một chiếc bánh, nếu tăng cho người này thì phải giảm người kia khiến nhiều địa phương không hài lòng

Sáng 1-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015.

Tranh giành “chiếc bánh”

Khi đại diện VFA công bố bảng phân bổ chỉ tiêu dự kiến cho từng tỉnh, thành, không khí hội nghị liền “nóng” lên. Bởi lẽ, địa phương nào cũng muốn được giao chỉ tiêu nhiều để nông dân có lợi.

Đại diện Vĩnh Long cho rằng lần này, VFA phân bổ cho tỉnh thu mua chỉ 28.100 tấn lúa, giảm 34.000 tấn so với năm trước, là không hợp lý. Tỉnh Đồng Tháp yêu cầu VFA giao chỉ tiêu bằng năm ngoái là 176.100 tấn thay vì 155.471 tấn như năm nay.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cũng không hài lòng với chỉ tiêu 83.143 tấn mà VFA phân bổ. “VFA nên giữ mức 103.000 tấn như năm trước vì năm rồi, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh thực hiện đủ và vượt chỉ tiêu phân bổ. Tôi không hiểu dựa vào đâu mà một DN đăng ký thu mua 15.000 tấn, VFA chỉ cho 3.000 tấn” - ông Hóa thắc mắc.

Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang hiện là địa phương có sản lượng lúa đứng đầu khu vực ĐBSCL (4,5 triệu tấn/năm) nhưng VFA chỉ phân bổ 79.000 tấn. “Tôi đề nghị VFA điều chỉnh lại các địa phương được giao chỉ tiêu cao, như: An Giang (trên 251.000 tấn), Cần Thơ (175.696 tấn), Long An (118.757 tấn)…” - ông Nhịn kiến nghị.

Giải đáp các thắc mắc, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, cho rằng việc phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương dựa trên 4 tiêu chí đối với các DN: có đăng ký tạm trữ vụ đông xuân 2014 - 2015; có thành tích mua tạm trữ vụ trước; có năng lực xuất khẩu và tiêu thụ lượng lớn lúa gạo tạm trữ; có tham gia mô hình liên kết cánh đồng lớn. Do đó, những địa phương có diện tích, sản lượng lúa lớn chưa chắc được phân bổ chỉ tiêu nhiều mà có thể giao cho DN của tỉnh khác được quyền thu mua lúa gạo ngoài tỉnh.

Đợi “cho” tiền mới thu mua (?!)

Trước thông tin thu mua tạm trữ lúa gạo được triển khai, những ngày qua, giá lúa ở ĐBSCL đang nhích dần lên. Theo đó, lúa tươi IR 50404 được các thương lái thu mua tại ruộng từ 4.400- 4.500 đồng/kg. Giá này khiến nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn lúa để bán.

Ông Lê Văn Lam (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết do xuống giống sớm theo lịch thời vụ của ngành chức năng nên hơn 4 ha lúa của gia đình ông phải thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Thương lái đến tận ruộng mua với giá 4.100 đồng/kg đối với lúa thường IR 50404.

Trong khi đó, những nông dân trồng lúa thơm chất lượng cao bán khoảng 4.700 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ. “Thấy giá lúa tăng từng ngày mà tôi xót dạ. Hy vọng 3 ha lúa còn lại sẽ trúng giá vì thu hoạch rơi vào đợt thu mua tạm trữ” - ông Lam kỳ vọng.

Nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết đang bước vào thu hoạch lúa rộ. Do sợ lúa bán không được giá hoặc không ai mua, trước thời điểm thu hoạch khoảng 10 ngày, nhiều người đã giao kèo (bằng miệng) với thương lái sẽ bán với giá 4.200 đồng/kg và nhận tiền cọc 20%-30%/công đất. Nếu giá lúa thị trường xuống thấp, thương lái vẫn thu mua cho dân. Ngược lại, giá lên cao thì nhiều thương lái sẽ bỏ tiền cọc với lý do “kẹt tiền”.

Tại hội nghị, ông Mai Anh Nhịn đặt vấn đề tại sao cứ đến thời điểm thu mua tạm trữ thì giá lúa gạo mới tăng lên, còn không thì quay về vị trí cũ? “Mỗi năm, nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua lúa gạo trong đợt tạm trữ. Các DN cứ đợi nhà nước “cho” tiền thì mới mua lúa gạo” - ông Nhịn bức xúc.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, đề nghị nên tìm giải pháp nào mới, tốt hơn để vực dậy giá lúa gạo thay vì cứ trông chờ vào việc thu mua tạm trữ.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp can thiệp thị trường chứ không phải chính sách hỗ trợ nông dân. Đây là giải pháp mang tính tạm thời, không bền vững. Vì thế, sau khi kết thúc đợt thu mua tạm trữ, giá lúa gạo sẽ trở về vị trí cũ theo nguyên tắc cung - cầu là điều khó tránh khỏi. “Đến lúc này thì chưa tìm ra giải pháp nào tốt hơn, căn cơ hơn. Nếu các địa phương có những giải pháp nào hay, hiệu quả thì đề xuất với Bộ NN-PTNT để chúng tôi trình lên Chính phủ” - Thứ trưởng Tám đề nghị.


Có thể bạn quan tâm

Chi Cục Thú Y Thực Hiện Biện Pháp Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm Chi Cục Thú Y Thực Hiện Biện Pháp Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Trạm Thú y huyện sẽ tiến hành phun thuốc, tiêu độc, khử trùng cho các hộ chăn nuôi xung quanh vùng dịch; tuyên truyền các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng bệnh, khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bệnh, chết bất thường, nhanh chóng báo cho ngành Thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.

31/12/2014
Đồng Nai Nhập Khẩu Hơn 1 Tỷ USD Bắp Và Thức Ăn Chăn Nuôi Đồng Nai Nhập Khẩu Hơn 1 Tỷ USD Bắp Và Thức Ăn Chăn Nuôi

Theo tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, năm 2014, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu trên 1 tỷ USD bắp, thức ăn chăn nuôi. Theo đó, sản lượng bắp nhập khẩu khoảng 872 ngàn tấn, tăng gấp gần 2 lần về số lượng so với năm 2013 với trị giá trên 200 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi khoảng 785 triệu USD.

31/12/2014
Nông Dân Hoang Mang Với Nạn Phân Rởm Nông Dân Hoang Mang Với Nạn Phân Rởm

Đại lý giới thiệu cho anh Bẩy loại phân Urê - Silic của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngưu về dùng thử. Anh đã dùng một phần trong số này rắc quanh gốc cà phê, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, qua nhiều lần tưới nước và xới gốc, những hạt đen của phân vẫn trơ như sỏi đá. Thử hoà phân này trong nước thấy chỉ tan được một nửa. Nửa còn lại kết tủa thành từng mảng keo dính, như đất sét.

31/12/2014
Hiệu Quả Từ Trồng Bí Rợ Trên Bờ Ruộng Hiệu Quả Từ Trồng Bí Rợ Trên Bờ Ruộng

Anh Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ kinh nghiệm trồng bí đơn giản: Ngâm ươn hạt cho nẩy mầm, ươm trong bầu cho cây bí lên 1 - 2 lá rồi đem ra trồng. Mỗi hộc trồng đào đường kính từ 2 - 2,5 tấc, phía dưới rải 1 nhúm phân NPK, sau đó cho phân rác, phân rơm hoai mục đầy hộc, rồi cho dây bí vào trồng. Mỗi dây trồng cách nhau khoảng 2,5 m.

31/12/2014
Nông Dân Đảo Bé Trắng Tay Vụ Hành Thu Đông Nông Dân Đảo Bé Trắng Tay Vụ Hành Thu Đông

Hơn nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân trồng hành tại đảo Bé (xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) như ngồi trên đống lửa, bởi hàng chục héc ta hành thu đông sắp cho thu hoạch bị mưa gió phá tan hoang. Một vụ hành được kỳ vọng sẽ bội thu thì người dân đảo Bé lại dở khóc, dở cười vì sự thất thường của thời tiết.

31/12/2014