Trăn Trở Với Thịt Heo Sạch

Nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu thịt heo sạch cho Đồng Nai, đầu năm 2012 hơn 25 hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, gồm các xã: Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 đã lên kế hoạch thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo. Theo đó, các hộ sẽ liên kết với nhà cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nhà phân phối…
Đến nay, việc thực hiện chuỗi liên kết này vẫn vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ hợp quy chuẩn và phân phối thịt heo sạch trên thị trường.
* Muốn mà chưa được
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Mục đích của việc xây dựng chuỗi liên kết nhằm thu gọn tất cả các khâu từ chăn nuôi, thu mua cho tới giết mổ, giúp người chăn nuôi ổn định được giá thành sản phẩm khi mua vào cũng như khi đưa ra thị trường. Đồng thời ngành chức năng dễ dàng kiểm soát được chất lượng, từng bước tạo được thương hiệu cho sản phẩm”.
Theo đó, hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp có liên quan, như: doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... tham gia chuỗi liên kết và đảm bảo giữ ổn định giá bán sản phẩm cho người chăn nuôi trong một kỳ hạn nhất định, sau đó sẽ thay đổi theo sự biến động trên thị trường. Đã có 46 thương lái chuyên mua heo trên địa bàn Đồng Nai đồng ý tham gia hỗ trợ kinh doanh thịt heo đảm bảo chất lượng, không làm giá, ép giá nông dân. Bên cạnh đó, hiệp hội đã tiến hành đăng ký hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị ở TP.Biên Hòa và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) để bố trí 3 gian hàng phân phối sản phẩm “thịt heo sạch Đồng Nai”.
Bà Tô Thị Hà (ngụ ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm) cho biết: “Hiện gia đình tôi có gần 700 con heo, trung bình một tháng xuất đi khoảng 150 con. Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết để ổn định về giá cũng như thị trường tiêu thụ, không lo bán “xô” cho thương lái như những năm trước”.
Điều kiện thuận lợi khi thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo ở Thống Nhất là các hộ chăn nuôi lớn có đủ khả năng để cung cấp lượng thịt heo lớn ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi liên kết mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi theo quy trình sản phẩm sạch, xây dựng hướng đi mới cho người chăn nuôi mà chưa thể đưa thịt heo sạch Đồng Nai ra thị trường tiêu thụ.
Lý giải về vấn đề này, ông Đoán nói: “Hiện nay chuỗi liên kết còn thiếu các lò giết mổ để đảm bảo thịt cung cấp ra thị trường là thịt nóng và an toàn. Đồng thời địa bàn tiêu thụ thịt heo sạch đã đăng ký với Ban quản lý chợ Tân Xuân còn gặp khó khăn ở địa điểm phù hợp để có thể treo bảng hiệu “thịt heo sạch Đồng Nai” phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng”.
* Loay hoay tìm hướng đi
Anh Trần Văn Phi, (ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm) cho biết: “Sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi đều đạt chất lượng, nhưng do chuỗi liên kết chưa đi vào hoạt động, sản phẩm chưa có thương hiệu nên còn bán cho thương lái, lợi nhuận mang lại không nhiều”.
Để sớm đưa thương hiệu “thịt heo sạch Đồng Nai” ra thị trường, thời gian tới hiệp hội sẽ tiến hành xây dựng lại Hợp tác xã Đồng Hiệp (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) để hợp thức hóa các hộ chăn nuôi trong hợp tác xã cũng như trong chuỗi liên kết.
Theo đó, các hộ chăn nuôi sẽ tuân thủ các kỹ thuật trong sản xuất về thức ăn, chăm sóc, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi..., đảm bảo cung cấp ra thị trường là thịt heo sạch. Việc xây dựng và cơ cấu lại hợp tác xã để người chăn nuôi hoạt động có tính pháp lý hơn khi đăng ký thương hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nói:
“Để hoàn thiện chuỗi liên kết từ khâu cung cấp con giống tới khi cung cấp sản phẩm ra thị trường, hiệp hội cũng đang xin phép đầu tư xây dựng lò mổ với công suất từ 500-1.000 con/đêm. Bên cạnh đó cũng đã nhờ đến sự can thiệp của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc phân bố quầy hàng ở địa điểm thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, cũng như việc giới thiệu thịt heo sạch Đồng Nai tới người tiêu dùng”.
Có thể bạn quan tâm

Diễn biến thời tiết bất thường, lũ xuất hiện trái mùa xảy ra cuối tháng 3 vừa qua khiến nông dân dọc vùng sông Vu Gia - Thu Bồn thiệt hại về hoa màu không nhỏ. Chính điều này, buộc ngành trồng trọt phải cơ cấu lại sản xuất, dần bỏ thói quen canh tác theo… kinh nghiệm.

Với ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 17% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, nhưng tác động trực tiếp tới đời sống của gần 70% dân số như Quảng Ngãi thì việc tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết.

Sau gần 7 tháng thi công đóng mới, sáng 20.5, hai chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi đã chính thức về cảng Sa Kỳ trong niềm vui của ngư dân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Vụ đông xuân 2014-2015, khi cuối mùa đi đến đâu cũng thấy có nhiều ruộng lúa chín vàng rất đẹp khiến cho nhiều người cứ tưởng đây là vụ lúa được mùa bội thu, nhưng tính ra sản lượng lại không đạt.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn mà mục tiêu trước mắt là thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở khảo sát về nhu cầu học nghề của người dân, những năm qua tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nghề cụ thể, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động nông thôn.