Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn Trở Với Thịt Heo Sạch

Trăn Trở Với Thịt Heo Sạch
Ngày đăng: 11/03/2014

Nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu thịt heo sạch cho Đồng Nai, đầu năm 2012 hơn 25 hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, gồm các xã: Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 đã lên kế hoạch thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo. Theo đó, các hộ sẽ liên kết với nhà cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nhà phân phối…

Đến nay, việc thực hiện chuỗi liên kết này vẫn vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xây dựng các cơ sở giết mổ hợp quy chuẩn và phân phối thịt heo sạch trên thị trường.

* Muốn mà chưa được

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Mục đích của việc xây dựng chuỗi liên kết nhằm thu gọn tất cả các khâu từ chăn nuôi, thu mua cho tới giết mổ, giúp người chăn nuôi ổn định được giá thành sản phẩm khi mua vào cũng như khi đưa ra thị trường. Đồng thời ngành chức năng dễ dàng kiểm soát được chất lượng, từng bước tạo được thương hiệu cho sản phẩm”.

Theo đó, hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp có liên quan, như: doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... tham gia chuỗi liên kết và đảm bảo giữ ổn định giá bán sản phẩm cho người chăn nuôi trong một kỳ hạn nhất định, sau đó sẽ thay đổi theo sự biến động trên thị trường. Đã có 46 thương lái chuyên mua heo trên địa bàn Đồng Nai đồng ý tham gia hỗ trợ kinh doanh thịt heo đảm bảo chất lượng, không làm giá, ép giá nông dân. Bên cạnh đó, hiệp hội đã tiến hành đăng ký hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị ở TP.Biên Hòa và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) để bố trí 3 gian hàng phân phối sản phẩm “thịt heo sạch Đồng Nai”.

Bà Tô Thị Hà (ngụ ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm) cho biết: “Hiện gia đình tôi có gần 700 con heo, trung bình một tháng xuất đi khoảng 150 con. Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết để ổn định về giá cũng như thị trường tiêu thụ, không lo bán “xô” cho thương lái như những năm trước”.

Điều kiện thuận lợi khi thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo ở Thống Nhất là các hộ chăn nuôi lớn có đủ khả năng để cung cấp lượng thịt heo lớn ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi liên kết mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi theo quy trình sản phẩm sạch, xây dựng hướng đi mới cho người chăn nuôi mà chưa thể đưa thịt heo sạch Đồng Nai ra thị trường tiêu thụ.

Lý giải về vấn đề này, ông Đoán nói: “Hiện nay chuỗi liên kết còn thiếu các lò giết mổ để đảm bảo thịt cung cấp ra thị trường là thịt nóng và an toàn. Đồng thời địa bàn tiêu thụ thịt heo sạch đã đăng ký với Ban quản lý chợ Tân Xuân còn gặp khó khăn ở địa điểm phù hợp để có thể treo bảng hiệu “thịt heo sạch Đồng Nai” phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng”.

* Loay hoay tìm hướng đi

Anh Trần Văn Phi, (ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm) cho biết: “Sản phẩm chăn nuôi của gia đình tôi đều đạt chất lượng, nhưng do chuỗi liên kết chưa đi vào hoạt động, sản phẩm chưa có thương hiệu nên còn bán cho thương lái, lợi nhuận mang lại không nhiều”.

Để sớm đưa thương hiệu “thịt heo sạch Đồng Nai” ra thị trường, thời gian tới hiệp hội sẽ tiến hành xây dựng lại Hợp tác xã Đồng Hiệp (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) để hợp thức hóa các hộ chăn nuôi trong hợp tác xã cũng như trong chuỗi liên kết.

Theo đó, các hộ chăn nuôi sẽ tuân thủ các kỹ thuật trong sản xuất về thức ăn, chăm sóc, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi..., đảm bảo cung cấp ra thị trường là thịt heo sạch. Việc xây dựng và cơ cấu lại hợp tác xã để người chăn nuôi hoạt động có tính pháp lý hơn khi đăng ký thương hiệu.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nói:

“Để hoàn thiện chuỗi liên kết từ khâu cung cấp con giống tới khi cung cấp sản phẩm ra thị trường, hiệp hội cũng đang xin phép đầu tư xây dựng lò mổ với công suất từ 500-1.000 con/đêm. Bên cạnh đó cũng đã nhờ đến sự can thiệp của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc phân bố quầy hàng ở địa điểm thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, cũng như việc giới thiệu thịt heo sạch Đồng Nai tới người tiêu dùng”.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Chuyển Đổi Sản Xuất Theo Mô Hình Lúa + Cá Trên Vùng Ngập Lũ Hậu Mỹ Bắc A (Tiền Giang) Hiệu Quả Chuyển Đổi Sản Xuất Theo Mô Hình Lúa + Cá Trên Vùng Ngập Lũ Hậu Mỹ Bắc A (Tiền Giang)

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng "chung sống với lũ" trong giai đoạn 2011 - 2015, Tiền Giang triển khai Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang có tổng nguồn vốn khoảng 25 tỉ đồng trên qui mô 100 ha.

12/11/2014
Thanh Niên Lập Nghiệp Với Nghề Nuôi Chim Cút Thanh Niên Lập Nghiệp Với Nghề Nuôi Chim Cút

Xuất thân từ một gia đình không mấy khá giả, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, nhưng với sự nỗ lực vươn lên, Huỳnh Ngọc Yến (sinh năm 1988, ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa, Châu Thành) đã trở thành gương thanh niên làm kinh tế giỏi, với thu nhập ổn định từ nghề nuôi chim cút.

12/11/2014
Mô Hình Nuôi Gà Tiên Yên Sinh Sản Mô Hình Nuôi Gà Tiên Yên Sinh Sản

Đây là mô hình thuộc dự án Khuyến nông trung ương “Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học trong nông hộ”. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông và bà con nông dân, mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao.

12/11/2014
Đáng Tiếc Cho Vụ Gừng Đầu Tiên Đáng Tiếc Cho Vụ Gừng Đầu Tiên

Cây gừng tại xã Đồng Chum được triển khai trồng thuộc tiểu hợp phần hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của dự án giảm nghèo huyện Đà Bắc. Năm 2014 là năm đầu tiên cây gừng được trồng thí điểm tại xã Đồng Chum với tổng diện tích thực hiện 41,5 ha (đạt 100% kế hoạch). 264 hộ gia đình tham gia dự án chia thành 11 nhóm với tổng mức đầu tư 3,3 tỷ đồng; trong đó, dự án giảm nghèo hỗ trợ 1,9 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,4 tỷ đồng.

12/11/2014
Sầu Riêng Nghịch Vụ, Giá Cao Sầu Riêng Nghịch Vụ, Giá Cao

Theo thông tin từ các nhà vườn trồng sầu riêng của các xã như: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung... từ đầu tháng 11-2014 đến nay, nhiều thương lái tìm đến tận vườn đặt cọc, thu mua sầu riêng với giá trên dưới 90.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri-6 và Mong thong loại đẹp; loại xấu hơn cũng có giá bán từ 65.000 - 70.000 đồng/kg.

13/11/2014