Tôm Việt bơi giật lùi

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thuế suất trung bình chỉ còn 0,91%, giảm mạnh so với thuế suất 6,37% của POR8 hồi tháng 3/2015.
Thế nhưng, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 8 tháng đầu năm 2015, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 370 triệu USD. Dự báo, xuất khẩu tôm sang Mỹ cả năm 2015 chỉ khoảng 638 triệu USD, giảm hơn 40% so với năm 2014, dù những tháng cuối năm có thể tăng đôi chút. Vì sao vậy?
Theo biểu đồ phân chia thị phần tôm của Bloomberg, điều dễ nhìn thấy nhất là tôm Việt Nam đang lép vế trên “sàn đấu” thị trường Mỹ, chỉ chiếm thị phần 12,9%, đứng sau Ấn Độ (19,1%), Indonesia (18,2%), Ecuador (16,3%), chỉ đứng trên Thái Lan một chút (11,4%), bởi 2 năm qua, Thái Lan mất xấp xỉ 1/2 sản lượng tôm do dịch bệnh. Rất đáng suy ngẫm.
Hiện giá tôm nhập khẩu vào Mỹ giảm thấp, do những làn sóng tôm từ các quốc gia châu Á tràn vào, cạnh tranh dữ dội. Một doanh nhân chuyên xuất khẩu tôm phân tích: Đồng tiền các nước Ấn Độ, Indonesia... mất giá tới 20- 30% so với đồng USD, khiến giá tôm của các quốc gia này thấp hơn tôm Việt Nam khoảng 2- 3 USD/kg.
Vì vậy, dù Mỹ giảm thuế chống bán phá giá và đồng Việt Nam giảm giá so với đồng USD thì giá tôm Việt Nam cũng không “đấu” nổi với tôm Ấn Độ, Indonesia...
Nhìn lại chính mình, giá xuất khẩu cao chính là hệ quả của hệ quả- giá thành sản xuất tôm Việt Nam luôn đứng trên cao bởi nhiều nguyên nhân.
Nhiều doanh nhân tính toán: Việt Nam nhập khẩu tôm giống với giá khoảng 90 đồng/con, chi phí thức ăn khoảng 35.000 đồng/con, cộng thêm thuốc phòng trừ dịch bệnh, chi phí khác, giá tôm thành phẩm Việt Nam khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi tôm Ấn Độ chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.
Thêm nữa, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ đạt 30% (ở Indonesia, Ấn Độ tới 70%), nghĩa là 100 ha nuôi tôm chỉ thu được 30 ha, do tôm chết lên chết xuống!... Chuỗi giá trị tôm đang “có vấn đề”.
Đáng quan tâm, không chỉ tới thị trường Mỹ, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng đang sụt giảm mạnh. Tính đến giữa tháng 7/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Không thể không làm một cuộc “cách mạng” về chuỗi giá trị tôm. Nếu không, tôm Việt sẽ ngày càng “bơi giật lùi”, khó tiếp cận thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Nằm dọc theo sông Cửa Tiểu và sông Cửa Trung được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ, nhưng do ảnh hưởng nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài làm cho rất ít cây trồng có thể "bám trụ" và phát triển trên cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ấy thế mà mãng cầu Xiêm lại là một trong rất ít cây làm được điều đó.

Người dân ở các xã miền núi thuộc 2 huyện Tuy An, Sơn Hòa (Phú Yên) phấn khởi vì năm nay chuối được mùa, được giá. Từ loại nông sản đặc trưng trồng ở vùng gò đồi, vườn rẫy này mang lại cho người dân vùng núi một cái tết vui.

Cũng theo ông Bảo, sau đợt xuất hàng này, phía đối tác Ukraina tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu xoài của Hợp tác xã xoài Suối Lớn với số lượng ban đầu khoảng 1-2 container/tháng (1 container trên 20 tấn). Hiện Hợp tác xã đã có kinh nghiệm xử lý xoài ra trái rải vụ nên có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng trái xoài tươi quanh năm.

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có khoảng 3.300ha vườn cây ăn trái. Nếu như trước đây phần lớn trồng cây có múi thì hiện nay tùy theo điều kiện thổ nhưỡng từng vùng và thị trường mà các xã, thị trấn có loại trái cây thế mạnh riêng.

Đến nay, thôn có 70/109 hộ trồng táo với tổng diện tích gần 10 ha. Từ hơn 10 năm trước, gia đình chị Dương Thị Lựu, thôn Đồng Vân đã trồng táo trên đất cấy lúa không ăn chắc, nhờ đó mà kinh tế trở nên khá giả. Vụ này, chị thu ba tấn quả từ ba sào táo, lãi gần 30 triệu đồng.