Tôm Nuôi Được Mùa, Được Giá

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 2.229 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm. Nhờ thực hiện khá nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng nên hầu hết các địa phương đã khống chế được tình trạng dịch bệnh tôm nuôi, năng suất tôm đạt khá.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT), cho biết: Bước vào niên vụ nuôi tôm năm nay, tình trạng hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt đã gây nhiều khó khăn cho việc nuôi tôm. Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng người nuôi tôm chưa thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, thiếu nguồn tôm giống có chất lượng, chưa chú trọng kiểm dịch tôm giống. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và người nuôi tôm nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi vụ nuôi tôm.
Trong năm, toàn tỉnh có 2.229 ha mặt nước đưa vào nuôi tôm 2 vụ; trong đó, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh gần 450 ha, còn lại là nuôi xen tôm với các đối tượng thủy sản khác. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 2.000 ha, sản lượng đạt 4.546 tấn. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 4.274 tấn, chiếm trên 95% tổng sản lượng, năng suất bình quân 6 tấn/ha/vụ; tôm sú đạt 271 tấn, năng suất bình quân 0,3 tấn/ha/vụ.
Bên cạnh được mùa tôm nuôi, giá tôm năm nay cũng tăng 20 - 30% so với mọi năm. Tôm thẻ chân trắng giá bình quân cả vụ từ 120 - 140 ngàn đồng/kg (loại từ 80 - 100 con/kg); tôm sú 170 - 180 ngàn đồng/kg (40 - 50 con/kg). Ông Trần Văn Nghị, nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (Tuy Phước), cho biết: “Tôi nuôi 1 ha tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt 7,5 tấn/ha/vụ. Với giá tôm ổn định ở mức 130 ngàn đồng/kg, tôi có thu nhập trên 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Vụ nuôi tôm năm nay được xem là thành công nhất trong nhiều vụ nuôi gần đây của gia đình tôi”.
Theo ông Võ Đình Tâm, khống chế thành công dịch bệnh tôm năm nay là nhờ người nuôi tôm đã tuân thủ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ thả tôm của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tại các vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm. Công tác khuyến ngư được tăng cường, nhiều mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường được xây dựng. Mô hình nuôi tôm cộng đồng được thực hiện có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Xuất ngũ năm 1983, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Bình rời quê Thanh Hoá đến vùng đất cực Nam Tổ quốc lập nghiệp. Với bản chất cần cù, chịu khó của người lính Cụ Hồ, ông đã kiên trì vượt lên hoàn cảnh khó khăn, gây dựng cuộc sống ấm no từ tay trắng. Đến nay, gia đình ông có hơn 30 công đất nuôi tôm, kết hợp trồng lúa, nuôi cua, cá bống tượng mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, giao thương được nhắc đến ở đây phải là chính ngạch chứ không phải tiểu ngạch. Vì vậy, XK hàng qua đường chính ngạch cũng là một giải pháp các DN nên tính đến.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - phó Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm, Bến Tre - cho biết thị trường tiêu thụ chanh từ trước đến nay đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây Trung Quốc ngưng tiêu thụ chanh nên giá giảm.

Các doanh nghiệp chế biến,xuất khẩu cá tra cạnh tranh không lành mạnh chào bán giá thấp rồi quay lại ép giá mua cá của người dân để chế biến có lời.

Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Sau đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện đề án này của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đã có một số định hướng để tiến hành tái cơ cấu.