Tôm hùm ở Lý Sơn chết nhiều làm người nuôi hoang mang

Anh Phan Thanh Quang, một người nuôi tôm hùm ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết:
“Lúc đầu tôm chết rải rác nhưng một tháng gần đây, ngày nào bè tôm của tôi cũng có ít nhất 2 con chết, chủ yếu loại có trọng lượng từ 0,5-0,7 kg. Hầu hết hộ nuôi nào cũng bị."
Cứ mỗi con tôm chết, người nuôi mất cả bạc triệu vì vốn đầu tư từ lúc mua con giống với giá 320.000-350.000 đồng/con đến khi nuôi đạt trọng lượng 0,5-0,7 kg mất ít nhất khoảng 1,4 triệu đồng/con rồi, anh Quang nói.
Theo nhiều hộ nuôi ở đây, trước khi chết, tôm hùm có hiện tượng bỏ ăn, di chuyển chậm. Lồng nuôi sau đó được vệ sinh kỹ hơn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Người nuôi tôm đứng ngồi không yên vì vốn đầu tư vào một bè tôm hùm xuất khẩu không phải là nhỏ.
“Bè nhà tôi có 45 lồng chứa 1.500 con, tính tới thời điểm hiện tại, vốn bỏ ra đã trên hai tỉ rưỡi rồi. Nghe ai ở Khánh Hòa có thuốc gì hay cho tôm ăn tránh dịch bệnh, chúng tôi đều học theo, số lượng tôm chết có giảm nhưng vẫn không dứt điểm. Biết đây không phải là cách tốt nhưng chúng tôi chẳng còn biện pháp nào khác,” ông Võ An (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) lo lắng nói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Đôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, thống kê chưa đầy đủ thì số lượng tôm chết chiếm khoảng 15% trong tổng số 100.000 con của 62 hộ nuôi tôm hùm trên đảo. “Tôm bất ngờ chết không phải là điều khó lường trước khi nuôi," ông Đôi nói.
Theo ông Đôi, số lượng tôm chết như thế này vẫn chưa đến mức báo động. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ cơn bão số ba đổ vào Lý Sơn giữa tháng trước
. Để tránh bão, người nuôi phải kéo bè tôm vào gần bờ, vùng nước ở đây ô nhiễm nên tôm dễ bị nhiễm bệnh, cộng thêm quá trình di chuyển có thể gây thương tích cho con tôm, làm khả năng đề kháng cũng sút giảm.
"Nhưng để bà con an tâm, chúng tôi đã đến khảo sát và lấy mẫu tôm gửi đến Chi cục Thú y của tỉnh để phân tích và làm rõ nguyên nhân. Có kết quả, chúng tôi sẽ sớm thông báo cho bà con,” ông Đôi nói.
Một số hộ nuôi khác lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết gia tăng là do thời tiết năm nay nắng nóng hơn mọi năm làm nhiệt độ mặt nước khu vực nuôi tăng cao nên tôm dễ mắc bệnh đầu sữa.
Nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu mới chỉ xuất hiện ba năm gần đây ở huyện đảo Lý Sơn và đây là năm đầu tiên xảy ra hiện tượng tôm chết thế này.
Hiện, toàn huyện có khoảng 150 lồng bè nuôi nằm dày đặc trên luồng lạch ra vào vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải, cách bờ 500 mét.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) nuôi thử nghiệm mô hình này bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ. Ngày 14/10, ngành chức năng của huyện phối hợp với hộ nuôi tiến hành thu hoạch tôm. Kết quả bước đầu khá thành công.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cá tra (trong đó có 01 trung tâm giống cấp tỉnh và 05 trại giống cấp huyện), ngoài ra còn có khoảng 2.000 hộ ương giống. Hằng năm cung cấp hơn 2 tỷ con cá tra giống, khiến Đồng Tháp trở thành một trong những địa điểm cung cấp giống cá tra hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng diện tích mặt nước có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) của toàn TP là hơn 30.800ha, chưa kể mặt nước của các con sông. Thực hiện Chương trình phát triển NTTS, hàng năm, TP đầu tư từ 15 - 20 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển vùng NTTS tập trung, đảm bảo môi trường, dịch bệnh và ATTP như xây dựng hạ tầng, cung cấp thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học. Đến nay, toàn TP có trên 200 vùng nuôi có quy mô diện tích từ 30 - 200ha và hàng ngàn trang trại NTTS.

Chưa có năm nào diện tích nuôi thuỷ sản ở tinh Sóc Trăng lại tăng mạnh như năm nay. Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, tổng diện tích nuôi thủy sản năm 2014 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60.000 ha trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha.

“Theo khảo sát của chúng tôi, hiện có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng”, ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo.