Tôm càng xanh bén duyên với vùng đất Nhị Mỹ
Tôm Nhị Mỹ đạt chứng nhận VietGAP
Nuôi TCX luân canh trên đất lúa là mô hình sản xuất được ông Bùi Văn Nắm thực hiện thành công đầu tiên tại ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào năm 2001. Khi đó điều này làm bất ngờ đối với người dân địa phương, vì người dân đều nghĩ rằng TCX không thể nuôi được ở nơi đây.
Ông Nắm kể, năm 2000, sau khi không thành công với mô hình nuôi tôm tự nhiên trên đất lúa. Năm 2001, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và thử nghiệm thả nuôi tôm post, với mật độ 10 con/m2 con trên diện tích 2.000m2. Điều không thể ngờ là TCX phát triển rất tốt, đạt hơn 50%, đặc biệt ít xuất hiện dịch bệnh và có thể tận dụng thức ăn có sẵn tại địa phương giúp giảm chi phí.
Từ thành công này, năm 2002, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện mô hình tại ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ với 9 hộ tham gia trên diện tích 13,5ha đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Khương ở ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, sau nhiều năm trồng lúa lợi nhuận không cao, năm 2004 được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật, ông thả nuôi TCX trên diện tích 0,9ha, kết quả thu lãi hơn 200 triệu đồng. Vụ nuôi tôm năm 2005, ông mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi TCX lên hơn 1,3ha và tiếp tục nuôi cho đến nay.
Ông Khương cho biết, nhờ nuôi tôm nghịch vụ, không bị dội hàng so với những vùng tôm của nơi khác nên lợi nhuận đạt được khá cao. Vụ tôm vừa qua, 1ha ông thu hoạch được khoảng 2,5 tấn tôm thương phẩm, trừ tất cả chi phí cũng thu được lợi nhuận trên 250 triệu đồng.
Thu hoạch tôm trứng
Nếu như trong vụ tôm năm 2002, trên địa bàn xã Nhị Mỹ chỉ có 7 hộ thả nuôi trên diện tích 13,5ha, thì đến vụ nuôi năm 2015, toàn xã có 97 hộ nuôi trên diện tích 150,68ha, đạt sản lượng bình quân trên 350 tấn/năm. Như vậy, chỉ sau 15 năm con TCX về với vùng đất Nhị Mỹ, số hộ nuôi TCX trên địa bàn xã tăng lên hơn 10 lần, trong đó tập trung nuôi nhiều ở 2 trục kênh Rạch Sộp và Bà Mụ.
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ cho biết, Nhị Mỹ xác định con TCX là 1 trong 3 loại cây, con (lúa, tôm, vịt) là vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã.
Bởi hiện nay tôm Nhị Mỹ đã đạt chứng nhận VietGAP, đảm bảo chất lượng, nhờ đó giá tôm thương phẩm luôn đứng ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển cả về quy mô và diện tích trên địa bàn xã.
Để giải quyết đầu ra cho con TCX, xã Nhị Mỹ xúc tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) tôm trên cơ sở tổ hợp tác đã có trước đó để liên minh sản xuất, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân hợp đồng với các công ty mua thức ăn, thuốc thủy sản, con giống tốt với giá hợp lý, đặc biệt ký kết với các công ty bao tiêu tôm với giá ổn định.
Ông Bùi Văn Nắm - Giám đốc HTX tôm Nhị Mỹ cho biết, hiện nay HTX chỉ là đầu mối giao dịch giữa hộ nuôi tôm và thương lái nên chưa đảm bảo được đầu ra ổn định. Sắp tới, HTX sẽ tập hợp các hộ nuôi tôm lại với nhau, đồng thời phối hợp với các nhà chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nuôi TCX cho nông dân. Khi có sản lượng ổn định, HTX sẽ kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ.
Hiện HTX cũng đang chuẩn bị ra mắt quầy bán sản phẩm TCX tại chợ TP.Cao Lãnh, việc này nhằm ổn định giá cả cũng như giới thiệu sản phẩm tôm của HTX tôm Nhị Mỹ đến người tiêu dùng.
“Phát triển mô hình nuôi TCX theo hướng ổn định là bước đi đầu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu ngành thủy sản của xã. Bên cạnh việc quy hoạch, xây dựng HTX để gắn kết, tìm đầu ra ổn định cho con TCX, thì việc đầu tư vùng nuôi ổn định gồm cơ sở hạ tầng, điện, đường nước... tại vùng nuôi tôm cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
Xã cũng rất cần sự song hành của UBND tỉnh trong việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng nuôi tôm, đặc biệt là hỗ trợ tìm những doanh nghiệp có tâm, có tầm đầu tư từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra cho vùng nuôi tôm” - ông Huỳnh Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ nói.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh sự liên kết giữa “bốn nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) nhằm tìm hướng phát triển ổn định, bền vững cho nghề nuôi cá tra. Thị xã Ngã Bảy là nơi đầu tiên trong tỉnh thực hiện việc liên kết “bốn nhà” và đang có những kết quả khả quan.

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, năm 21 tuổi, anh Nguyễn Văn Minh (thường gọi là Đức, SN 1949) lên Đăk Lăk tìm cơ hội mới và lập nghiệp tại khối 5, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột. Lúc đầu với hai bàn tay trắng, giờ đây ông Minh đã trở thành một "cao thủ" nuôi heo rừng có tiếng, thu nhập lên tới trên 500 triệu đồng/năm.

Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu bằng cách bón phân đạm sớm, bón tập trung: Phân urê thường được bón lót sâu với lượng 30-50% (tổng lượng bón cho lúa vụ xuân 6-12kg/sào Bắc bộ 360m2) cho lúa trước khi cấy và bón thúc sớm 60-40% lượng đạm sau cấy 15-20 ngày khi lúa bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên với những loại đất cát pha, đất cát khả năng giữ phân kém chỉ nên bón lót 20-30%, bón thúc lần 1 khoảng 50-60% chia làm 2 lần cách nhau 4-5 ngày để tăng hiệu quả của phân bón. Nên bón đạm sớm kết hợp với phân kali (tỷ lệ 2đạm/1kali).

Khoảng tháng chạp, tháng giêng, nguồn cá giống bống tượng và cá sặc bổi từ khai thác tự nhiên khá nhiều, cũng là lúc những hộ dân có thâm niên nghề sản xuất cá giống bước vào vụ mới. Nhiều người nuôi hiện đã rất thành công trong việc nuôi cá bống tượng kết hợp với nuôi cá sặc bổi.

Sả là một trong những gia vị phổ biến nhất ở Việt Nam, Malaysia, Thái Lan. Cũng giống như gừng, nghệ, tỏi, sả không những được dùng để tăng thêm sự đậm đà và ngon miệng cho món ăn, nó còn được dùng như thuốc để điều trị. Dưới đây chúng ta cùng khám phá những tác dụng vô cùng độc đáo của loại gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn này.