Tổ Nuôi Tôm An Toàn Bền Vững Hoạt Động Hiệu Quả

Đầu năm 2012, có 20 hộ nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) liên kết nhau thành lập Tổ nuôi tôm an toàn bền vững (NTATBV) và đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ tham gia, đồng thời có tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương.
Những năm trước đây, người nuôi tôm ở thôn Sơn Hải 1 chủ yếu là nuôi tự phát, chưa có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm chung. Do vậy, dịch bệnh thường xuyên lây lan, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi tôm toàn vùng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, 20 hộ nuôi (với tổng diện tích 22,7 ha) đã bàn bạc và thống nhất thành lập Tổ NTATBV. Theo đó, các hộ thống nhất chia sẻ kinh nghiệm từ khâu chọn giống, biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh… tất cả đều được thực hiện triệt để, đồng loạt để đảm bảo mỗi hộ tham gia đều nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các thành viên trong tổ.
Các hộ thành viên đều được tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm an toàn, bền vững do Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh, các công ty cung cấp giống, thức ăn tổ chức. Anh Võ Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ NTATBV chia sẻ: Từ khi tham gia tổ, giữa các hộ có sự gắn bó, đoàn kết, thực hiện đúng cam kết, các điều khoản mà tổ đề ra từ đầu. Mỗi tháng tổ họp bàn, chia sẻ kinh nghiệm 2 lần, có kế hoạch phân công nhân lực thay phiên nhau cùng chăm sóc và bảo vệ tôm nuôi, hạn chế tình trạng thất thoát, tăng hiệu quả.
Nhờ sự liên minh, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong Tổ NTATBV, năng suất nuôi tôm của các hộ tham gia đều đạt cao hơn so với việc hoạt động riêng lẻ. Năng suất tôm thẻ bình quân của mỗi hộ đạt trên 15 tấn/ha, tỷ lệ tôm bị dịch bệnh thấp, doanh thu đạt khoảng 700 triệu đồng/ha/vụ.
Anh Nguyễn Thái Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh cho biết: Sự liên kết này cũng giúp cho các cơ quan chức năng, địa phương thuận lợi hơn trong quản lý, và xử lý bệnh cho tôm mỗi khi có dịch bệnh xảy ra. Đây cũng là hình thức hợp tác góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường vì cộng đồng, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất cho chính các hộ tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 và hè thu 2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 3.800 ha đất lúa sang trồng bắp và rau màu. Cụ thể, ở vụ đông xuân 2014 -2015, toàn tỉnh chuyển đổi trên 3.400 ha, trong đó diện tích trồng bắp chiếm gần 2.600 ha. Riêng vụ hè thu 2015, huyện Hàm Thuận Bắc chuyển đổi 95 ha đất trồng lúa sang trồng rau các loại và huyện Tánh Linh chuyển đổi 400 ha đất trồng lúa sang trồng bắp.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Hội Nông dân thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá lăng nha cho 30 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua đã có 14.000 ha tôm nuôi sinh thái của Cà Mau được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế để từng bước nâng cao giá trị con tôm Cà Mau.

Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh Bình Định hiện có 6.781 tàu thuyền, giảm 311 chiếc so với cùng kỳ. Sở dĩ số lượng tàu thuyền giảm là do ngư dân đã bán những tàu có công suất nhỏ để đầu tư nâng cấp hoặc đóng mới tàu cá có công suất lớn hơn và trang bị các thiết bị hiện đại để khai thác thủy sản xa bờ.

Anh Bùi Văn Nắm (SN 1969) ngụ ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ được UBND huyện Cao Lãnh giới thiệu là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Tháp lần thứ V, giai đoạn 2011 - 2015 vì có thành tích về sản xuất kinh doanh giỏi.