Tổ Hợp Tác Nuôi Thỏ Thiện Nghiệp

Nắm bắt nhu cầu thị trường và phát triển mô hình chăn nuôi phù hợp với vùng khó khăn về nước như xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Tổ hợp tác nuôi thỏ tại xã Thiện Nghiệp được thành lập vào tháng 7/2014.
“Năm 2012, tôi bắt đầu nuôi thỏ quy mô nhỏ ở gia đình. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến nay tôi nhận thấy đây là mô hình có nhiều ưu điểm như tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương, ít dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém.
Chuồng trại trong chăn nuôi thỏ khá đơn giản, có thể tận dụng tre, gỗ… để làm. Thị trường thỏ giống, thỏ thương phẩm hiện nay khá lớn, “cung không đủ cầu” là một trong những ưu thế lớn của nghề nuôi thỏ.
Hiện nay giá thương phẩm ổn định 80.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, 1 con thỏ thương phẩm cho lãi khoảng 40.000 đồng”, anh Hồ Quốc Bảo - thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp chia sẻ. Được biết, Tổ hợp tác nuôi thỏ xã Thiện Nghiệp có 10 thành viên tham gia, với mục đích là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho bà con nông dân, cũng như phối hợp với nhau để cùng tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để giúp dân, xã còn tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng trị bệnh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Được biết, hộ gia đình nuôi ít nhất là 20 con giống sinh sản, 60 - 80 con thương phẩm. Với hộ nuôi nhiều, thỏ sinh sản là 50 - 70 con và 200 con thương phẩm.
Anh Bảo cho biết thêm: “Thông thường nuôi khoảng 4 tháng xuất chuồng đạt từ 2,2 - 2,5 kg/con, nhưng hiện nay tôi giảm chi phí thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi khoảng 3,5 tháng, vẫn đạt trọng lượng như trên, nhờ tăng cường 70% rau, cỏ xanh, 30% bắp, không cho ăn thức ăn công nghiệp vì giá thành quá cao”.
Theo anh Trần Minh Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, mỗi tháng tổ hợp tác cung cấp 100 con giống, với giá 120.000 đồng/kg cho các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và khoảng 14 tạ thỏ thương phẩm. Đây là mô hình phù hợp với hộ gia đình, giải quyết công việc trong thời gian nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập. Trong thời gian tới, tổ sẽ cải tạo giống, mở rộng thị trường để giúp các thành viên trong tổ tăng đàn và tiếp tục nhân rộng mô hình.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/kinh-te/to-hop-tac-nuoi-tho-thien-nghiep.html
Có thể bạn quan tâm

Sau 6 năm nghiên cứu, đưa 1 ngàn cành bưởi đường lá cam lên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để chiếu xạ và ghép cành vào 1 ngàn cây bưởi Tân Triều, các nhà khoa học đã tạo ra 3 giống bưởi không hạt. Đó là những kết quả ban đầu trong việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ năng lượng hạt nhân để tạo ra giống bưởi đạt chuẩn quốc tế.

Sau 2 năm thực hiện đề án sạ lúa trên đất nhiễm phèn ở một số xã của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hiệu quả đạt được cho thấy khá khả quan. Đây là đề án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật.

Sáng 25/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) về triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ bằng khay tự động và cấy máy trên địa bàn.

Chỉ vài sào đất bãi bồi, nhưng qua bàn tay cần mẫn của ông, nó cũng đủ sức nuôi sống 4 người. Lý do là, rau, quả của ông không phải hạng xoàng, mà toàn hàng độc đáo nên dù giá bán có nhỉnh hơn, bạn hàng vẫn tranh nhau mua. Ông chính là Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá hồ tiêu những ngày gần đây trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ dao động ở mức 146.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng 9/2013.